Sách (2)


Xem mục lục

ĐOẠN III
TÓM NÊU SÁU GIAO-BÁO

“Thế nào là sáu Giao-báo? A-nan, tất-cả chúng-sinh, sáu thức gây nghiệp, nên ác-báo chuốc-lấy, đều từ sáu căn mà ra.”

ĐOẠN IV
KHAI-THỊ SÁU GIAO-BÁO

“Các ác-báo từ sáu căn ra như thế nào? Một, là giao-báo về thấy, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-thấy ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết thấy lửa-hồng đầy khắp 10 phương; thần-thức người chết bay rơi theo khói vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là thấy sáng, thì khắp thấy nhiều thứ vật-dữ, sinh ra khiếp-sợ vô-cùng; hai là thấy tối, lặng vậy không thấy gì sinh ra hoảng-hốt vô-hạn. Lửa thấy như thế, đốt cái nghe, thì có thể làm vạc-dầu sôi, làm nước đồng-chảy; đốt hơi-thở, thì có thể làm khói-đen, lửa đỏ; đốt cái nếm, thì có thể làm viên tròn nung-đỏ, làm cơm-sắt; đốt cảm-xúc, thì có thể làm tro-nóng, lò-than; đốt tâm-ý, thì có thể sinh ra sao-lửa rưới khắp, làm rung-động cả cõi hư-không.

Hai, là giao-báo về nghe, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-nghe ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy sóng cuộn chìm-ngập trời đất; thần-thức người chết, sa xuống theo dòng vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là nghe tỏ, nghe các thứ ồn-ào, tinh-thần rối-loạn; hai là điếc hẳn, lặng-lẽ, không nghe gì, thức-thần chìm-lịm. Sóng nghe như thế, rót vào cái nghe, thì có thể làm trách, làm hỏi; rót vào cái thấy, thì có thể làm sấm, làm thét, làm hơi-độc-dữ; rót vào hơi thở, thì có thể làm mưa, làm mù, rưới các sâu-độc đầy khắp thân-thể; rót vào các vị, thì có thể làm mủ, làm huyết, các thứ nhơ-nhớp; rót vào cảm-xúc, thì có thể làm con súc, làm con quỷ, làm phân, làm nước-tiểu; rót vào ý-nghĩ, thì có thể làm chớp, làm mưa-đá, đập nát tâm-thức.

Ba, là giao-báo về ngửi, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-ngửi ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy hơi-độc đầy-nhẩy xa gần; thần-thức người chết, từ dưới đất trổi lên, vào ngục Vô-gián, phát-hiện ra hai tướng: Một là ngửi thông, bị các hơi dữ xông tột-bực, làm cho tâm rối-loạn; hai là ngạt mũi, hơi-thở ngạt không thông, nằm chết-giấc dưới đất. Hơi ngửi như thế, xông vào hơi-thở, thì có thể làm thông, làm ngạt; xông vào cái thấy, thì có thể làm lửa, làm đuốc; xông vào cái nghe, thì có thể làm chìm-ngập, làm chết-đuối, làm nước-lớn, làm nước-sôi; xông vào cái vị, thì có thể làm đói, làm ngấy; xông vào cái cảm-xúc, thì có thể làm xấu, làm nát, làm núi-thịt lớn có trăm ngàn con mắt, hút-ăn không cùng; xông vào ý-nghĩ, thì có thể làm tro, làm chướng-khí, làm gạch-đá bay lên đánh-nát thân-thể.

Bốn, là giao-báo về vị, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-vị ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy lưới-sắt nung-đỏ che khắp thế-giới; thần-thức người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống, vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng : Một là nuốt vào, thì kết-thành giá-lạnh, làm nứt-nẻ thân-thể; hai là mửa ra, thì bay lên thành lửa-hồng, đốt-rụi xương-tủy. Vị-báo như thế, qua cái nếm, thì có thể làm nhận, làm chịu; qua cái thấy, thì có thể làm các thứ kim-thạch đốt-cháy; qua cái nghe, thì có thể làm binh-khí sắc-bén; qua hơi-thở, thì có thể làm lồng-sắt lớn che khắp cõi-nước; qua cảm-xúc, thì có thể làm cung, làm tên, làm mỏ, làm bắn; qua ý-nghĩ, thì có thể làm sắt-nóng bay, từ trên không rưới xuống.

Năm, là giao-báo về xúc, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-xúc ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết, thấy núi lớn bốn mặt hợp lại, không còn đường ra; thần-thức người chết thấy thành-sắt lớn, rắn-lửa, chó lửa, hùm-sói, sư-tử, ngục-tốt đầu trâu, la-sát đầu ngựa, tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục Vô-gián, phát ra hai tướng; Một là hợp-xúc, thì núi kẹp ép mình, xương-thịt nát ra máu; hai là ly-xúc, thì dao gươm chạm vào mình, tim gan cắt-xẻ. Xúc-báo như vậy, qua cái xúc, thì có thể làm đạo, làm quán, làm sảnh, làm án; qua cái thấy, thì có thể làm đốt, làm nung; qua cái nghe, thì có thể làm đập, làm đánh, làm đâm, làm bắn; qua hơi-thở, thì có thể làm trùm, làm đẫy, làm tra, làm trói; qua cái nếm, thì có thể làm cày, làm kiềm, làm chém, làm chặt; qua ý-nghĩ, thì có thể làm rơi, làm bay làm nấu, làm nướng.

Sáu, là giao-báo về ý-nghĩ, chiêu-cảm ác-quả. Khi nghiệp-ý ấy giao-báo, thì lúc lâm-chung, trước hết thấy gió-dữ thổi-nát cõi nước, thần-thức người chết bị thổi lên trên không xoay-rơi theo gió, sa vào ngục Vô-gián, phát ra hai tướng: Một là không biết, tột mê, thì hoang-mang, ruổi-chạy không thôi; hai là không mê, hay-biết, thì khổ, bị đốt-cháy không cùng, đau-buốt không chịu nổi. Ý-báo như thế, kết vào ý-nghĩ, thì có thể làm phương, làm sở; kết vào cái thấy, có thể làm gương-soi, làm chứng-cứ; kết vào cái nghe, thì có thể làm đại-hợp-thạch, làm giá, làm sương, làm đất, làm mù; kết vào hơi-thở, thì có thể làm xe-lửa lớn, làm thuyền lửa, cũi-lửa; kết vào cái nếm, thì có thể làm kêu-la to, làm ăn-năn, làm khóc-lóc; kết vào cái cảm-xúc, thì có thể làm lớn, làm nhỏ, làm cho một ngày muôn lần sống, muôn lần chết, làm nghiêng, làm ngửa.

ĐOẠN V

KẾT-LUẬN NÓI VỀ TẬP-NHÂN, GIAO-BÁO KHI TOÀN, KHI KHUYẾT VÀ ĐÁP LẠI LÀ GÂY NGHIỆP-RIÊNG MÀ CÓ ĐỒNG-PHẬN-CHUNG

“A-nan, thế gọi là 10 nhân và 6 quả của điạ-ngục, nhân-quả ấy đều do mê-vọng của chúng-sinh tạo ra.

Nếu các chúng-sinh, sáu căn đồng-tạo nghiệp-dữ, thì vào ngục A-tỳ, chịu khổ vô-cùng trong vô-lượng kiếp; nếu từng mỗi căn tạo ra và nghiệp-dữ đã làm gồm cả cảnh và căn thì người ấy vào 8 ngục Vô-gián. Nếu cả thân, khẩu, ý làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào Thập-bát-địa-ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào Thập-bát-địa-ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoặc trong ấy chỉ làm một việc sát, hoặc một việc đạo, thì người ấy vào trong Tam-thập-lục-điạ-ngục; chỉ có một căn, riêng làm một việc, thì người ấy vào Nhất-bách-bát-địa-ngục.

Do những chúng-sinh ấy riêng gây ra nghiệp, nên vào chỗ đồng-phận trong giới ấy; đó đều do vọng-tưởng phát-sinh ra, không phải bản-lai tự có.

ĐOẠN VI
KHAI-THỊ CÁC DƯ-BÁO

“Lại nữa, A-nan, các chúng-sinh đó, nếu không phải gây tội chê-phá luật-nghi, phạm Bồ-tát-giới, hủy-báng Niết-bàn của Phật, mà chỉ phạm những nghiệp phức-tạp khác nhau, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, đền tội hết rồi, thì chịu những hình quỷ.

Nếu nơi bản-nhân, do tham vật mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vật thành-hình gọi là Quái-quỷ; do tham sắc mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp gió thành-hình, gọi là Bạt-quỷ; do tham dối-trá mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp giống súc thành-hình, gọi là Mỵ-quỷ; do tham nóng-giận mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con sâu thành-hình, gọi là Cổ-độc-quỷ; do tham thù-oán mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vận-suy kẻ-thù mà thành-hình, gọi là Lệ-quỷ; do tham ngã-mạn mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp khí thành-hình, gọi là Ngạ-quỷ; do tham lừa-gạt mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp u-ẩn thành-hình, gọi là Áp-quỷ; do tham ác-kiến mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp tinh-hoa thành-hình, gọi là Vọng-lượng-quỷ; do tham vu-vạ mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp linh-hiển thành-hình, gọi là Dịch-sử-quỷ; do tham bè-phái che-giấu mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con người thành-hình, gọi là Truyền-tống-quỷ.

A-nan, những người đó đều vì thuần-tình phải đọa-lạc, khi lửa-nghiệp đốt-sạch rồi, thì lên làm quỷ; như thế đều do cái nghiệp vọng-tưởng tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ-đề, thì nơi tính Diệu-viên-minh, vốn không có gì.

Lại nữa, A-nan, khi nghiệp-quỷ đã hết, tình và tưởng cả hai đều thành không, thì mới ở nơi thế-gian, cùng với người mắc nợ cũ, oán-đối gặp nhau; thân làm súc-sinh để trả nợ cũ.

Quái-quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài chim kiêu. Bạt-quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm tất-cả những loài cữu-trưng kỳ-dị. Mỵ quỷ theo súc, súc chết báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài hồ. Cổ-quỷ theo sâu, sâu diệt báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài có độc. Lệ-quỷ theo vận suy, suy tột báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài giun. Ngạ-quỷ theo khí, khí tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài cung-cấp thịt ăn. Áp-quỷ theo u-ẩn, u-ẩn tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm loài cung-cấp đồ-mặc. Vọng-lượng-quỷ theo tinh-hoa, tinh-hoa tiêu báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm các loài chim mùa. Dịch-sử-quỷ theo sự linh-hiển, linh-hiển diệt báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm tất-cả các loài hưu-trưng. Truyền-tống-quỷ theo người, người chết báo hết, sinh nơi thế-gian, phần nhiều làm các loài quấn-quít bên người.

A-nan, bọn ấy đều do lửa-nghiệp đốt xong, sinh ra loài súc, trả hết nợ cũ; như thế, đều do những nghiệp hư-vọng của tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ-đề, thì các vọng-duyên đó vốn không có gì.

Như lời ông nói, bọn Bảo-liên-hương, Lưu-ly-vương, Thiện-tinh tỷ-khưu đều vốn tự mình gây ra nghiệp-dữ; nghiệp ấy không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất phát ra và cũng không phải do người khác đưa tới, mà chính do vọng-tưởng của tự mình gây ra, rồi tự mình phải chịu quả-báo; nơi tâm Bồ-đề, đó chỉ là sự kết-đông của vọng-tưởng giả-dối.

Lại nửa, A-nan, các súc-sinh ấy đền-trả nợ trước, nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ, thì những chúng-sinh ấy, trở lại làm người, đòi lại chỗ thừa. Nếu bên kia có sức, lại có cả phúc-đức, thì ở trong loài người, không rời-bỏ thân người, mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không phúc-đức, thì phải làm súc-sinh đền lại chỗ thừa.

A-nan, nên biết, nếu dùng tiền-của hoặc sức người ta, thì đền đủ là xong; còn như trong ấy, có giết thân-mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế, thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, số như vi-trần, cũng như bánh xe xoay-vần, thay-đổi bên cao, bên thấp, không có dừng-nghĩ; trừ khi được phép Xa-ma-tha, hoặc gặp Phật ra đời, thì không thể thôi được.

Nay ông nên biết loài chim kiêu kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng ngoan-cố. Giống cữu-trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng quái-dị. Những loài hồ kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng ngu-dại. Những loài có độc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng nham-hiểm. Những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng hèn-nhát. Những loài cung-cấp thịt-ăn kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng nhu-nhược. Những loài cung-cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng lao-lụy. Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng văn-hoa. Những loài hưu-trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng thông-minh. Những loài quấn-quít theo người kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân-đạo, tham-hợp hạng thông-đạt.

A-nan, bọn ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình người, đều do từ vô-thủy đến nay, điên-đảo gây nghiệp, vay trả thừa thiếu, sinh nhau, giết nhau; nếu không gặp Như-lai, không nghe Chính-pháp, thì ở trong trần-lao, máy-móc xoay-vần mãi mãi; bọn ấy gọi là thật đáng thương-xót.

 

Xem mục lục
Chùa Việt
2015-02-07-16-29-29ChanhDien.jpg
2015-02-08-08-40-37ToanCanhChua.jpg
2015-02-07-15-55-37ChuaTuVan.jpg
2015-02-07-16-21-27ToanCanhChua.jpg
2015-02-07-16-37-23ChuaMatDa.jpg
2015-02-07-15-59-53MatTienChua.jpg
2015-02-08-08-53-13CHuaTuongVan2.jpg
2015-02-07-15-57-08ToanCanhTinhXa.jpg
2015-02-07-15-40-46ChuaQuangMinh.jpg
2015-02-07-16-25-47ChuaThienHung.jpg
2015-02-08-08-38-46CHuaKimTien.jpg
2015-02-07-16-38-25ChuaThanhHa.jpg