Sách (2)


Xem mục lục

ĐOẠN I
TÓM NÊU DANH-MỤC

“A-nan, những điều như thế, đều do nghiệp-báo các chúng-sinh kia, tự chiêu-cảm lấy, như gây mười Tập-nhân, thì chịu sáu Giao-báo.

ĐOẠN II
KHAI-THỊ MƯỜI TẬP-NHÂN

“Thế nào là mười Tập-nhân? A-nan, một là, tập-quán dâm-dục, giao-tiếp cùng nhau, phát-sinh cọ-xát lẫn nhau; cọ-xát mãi không thôi, như thế, nên trong ấy có ngọn lửa-hồng lớn nổi lên; ví-như, có người lấy hai bàn tay cọ-xát lẫn nhau, thì cảm-giác nóng hiện ra. Hai cái tập-khí đốt nhau, nên có những việc giường sắt, trụ đồng. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét việc dâm-dục, đồng gọi là lửa-dục; Bồ-tát đối với dâm-dục, tránh như hầm-lửa.

Hai, là tập-quán tham-lam, so-đo hơn thiệt, phát-sinh hấp-thụ lẫn nhau; hấp-thụ ôm-ấp mãi không thôi, như thế, nên chứa hơi-lạnh bên trong thành giá-cứng, làm cho nẻ-nứt; ví-như, có người hút hơi gió vào, thì có cảm-xúc lạnh. Hai tập-khí lấn nhau, nên có những sự tra tra, ba ba, la la, thanh-liên, xích-liên, bạch-liên, hàn-băng, vân vân… Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét việc tham-cầu quá nhiều, đồng gọi là nước tham; Bồ-tát đối với lòng tham, tránh như biển-độc.

Ba, là tập-quán ngã-mạn, lấn-lướt lẫn nhau, phát-sinh ỷ-thế với nhau. Giong-ruổi không thôi, như thế, nên có sự bôn-ba, sôi-nổi, chứa lại thành nước; ví-như, có người miệng lưỡi tự chép, làm cho nước-bọt chảy ra. Hai tập-khí chọi nhau, nên có các việc sông huyết, sông tro, cát-nóng, biển-độc, bắt uống nước đồng-chảy vân vân… Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai mười phương nhận-xét lòng ngã-mạn, đồng gọi là uống nước si-mê; Bồ-tát đối-với ngã-mạn, tránh như vực-thẳm lớn.

Bốn, là tập-quán nóng-giận, xung-đột cùng nhau, phát-sinh chống-đối lẫn nhau; chống-đối mãi không thôi, tâm nổi nóng, phát ra lửa, nấu cái khí thành kim-thuộc, vì thế, nên có núi dao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, những búa, những vớt, những thương, những cưa; ví-như, có người bị hàm-oan, thì sát-khí nổi lên. Hai tập-khí đập nhau, nên có các sự thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét sự nóng-giận, đồng gọi là dao-gươm bén; Bồ-tát đối với lòng nóng-giận, tránh như tránh chém-giết.

Năm, là tập-quán giả-dối, dụ-dỗ theo nhau, phát-sinh lôi-kéo lẫn nhau; dẫn-dắt mãi không thôi, như thế, nên có giây, cây, thòng-lọng, căng-nọc; ví-như, nước thấm ruộng thì cỏ-cây lớn lên. Hai tập-khí kéo-nhau, nên có các sự gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, qua, bổng. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét sự giả-dối, đồng gọi là sàm-tặc; Bồ-tát đối với sự gian-dối, sợ như beo-sói.

Sáu, là tập-quán lừa-gạt, lừa-dối với nhau, phát-sinh phỉnh-gạt lẫn nhau; phỉnh-gạt mãi không thôi, phát-tâm gây điều gian-dối; như thế, nên có bụi, đất, đại-tiện, tiểu-tiện, các đồ nhơ-nhớp không sạch; như bụi theo gió, không thấy lẫn nhau. Hai tập-khí dìm nhau, nên có những sự chìm-đắm, nhảy, ném, bay, rơi, trôi-lăn. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét sự lừa-gạt, đồng gọi là cướp-giết; Bồ-tát đối với sự lừa-gạt, như giẫm rắn-độc.

Bảy, là tập-quán thù-oán, hiềm-khích lẫn nhau, phát-sinh ôm-ấp lòng giận, như thế, nên có quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, xe cũi, bình-đựng, đãy-bọc, như người hiểm-độc ôm-ấp điều dữ. Hai tập-khí nuốt nhau, nên có những sự ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, gieo, ôm. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét sự thù-oán, gọi là quỷ Vi-hại; Bồ-tát đối với sự thù-oán, như uống ruợu-độc.

Tám, là tập-quán ác-kiến, tranh-cãi với nhau, như ngã-kiến, kiến-thủ, giới-cấm-thủ và các nghiệp tà-ngộ, phát-sinh chống-trái lẫn nhau; như thế, nên có quan-lại chứng-thực, nắm-giữ giấy-tờ, đông như người đi đường, qua lại gặp nhau. Hai tập-khí giao nhau, nên có các sự khám-hỏi, mưu-mẹo, khảo-tấn, đòi-hỏi, gạn-xét, cứu-tra cho rõ và những đồng-tử thiện-ác, tay cầm sổ-sách, biện-bạch cãi-vã. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét ác-kiến, đồng gọi là kiến-khanh; Bồ-tát đối với những thiên-chấp hư-vọng, như đứng bên hố-độc.

Chín, là tập-quán vu-vạ, làm hại cho nhau, phát-sinh sự vu-báng, như thế, nên có hợp-sơn, hợp-thạch, cối-nghiền, cối-xay; ví-như, kẻ sàm-tặc, áp-bức vu-oan người lương-thiện. Hai tập-khí bài xích lẫn nhau, nên có các sự áp-giải, đè-đập, ép-huyết, tuốt-mình. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương, nhận-xét sự vu-vạ, đồng gọi là sàm-hổ; Bồ-tát đối với sự vu-vạ, như bị sấm-sét.

Mười, là tập-quán kiện-thưa, cãi-vã lẫn nhau, phát-sinh sự che-đậy; như thế, nên có gương soi, đuốc chiếu, như giữa ban ngày, không giấu bóng được. Hai tập-khí phô-bày lẫn nhau, nên có ác-hữu, nghiệp kính, hỏa-châu phơi-bày nghiệp xưa đối-nghiệm các việc. Vậy nên, tất-cả các đức Như-lai thập phương nhận-xét sự che-đậy, gọi là giặc-ngầm; Bồ-tát đối với sự che-đậy, như đội núi cao, lội trong biển lớn.

 

Xem mục lục
Chùa Việt
2015-02-07-16-38-25ChuaThanhHa.jpg
2015-02-08-08-37-44MatTienCHua.jpg
2015-02-07-15-25-44ChuaPhatQuang.jpg
2015-02-07-15-59-01MatTienChua.jpg
2015-02-08-08-34-29CHuaDieuVien.jpg
2015-02-08-08-52-04MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-24-35ChuaPhuocSon.jpg
2015-02-07-16-15-58ChuaPhoNghiem.jpg
2015-02-07-14-00-09ChuaBachSa.jpg
2015-02-07-15-24-07ChuaLinhSonLongDoan2003.jpg
2015-02-07-16-25-47ChuaThienHung.jpg
2015-02-07-15-24-56MatTienChua.jpg