Sách (2)


Xem mục lục

GIẢI DANH TỪ 

VÔ MINH: Không sáng suốt, tức là si mê làm lạc. Nói chung là mười món căn bản phiền não và 20 món tuỳ phiền não . 

HÀNH: Hành động, tạo tác các nghiệp. 

THỨC: thần thức, tức là phần tinh thần trong con người. 

DANH SẮC: Danh là chỉ cho Tâm, về phần tinh thần chỉ có cái tên; còn Sắc là sắc thân về phần vật chất. Đây là chỉ cho trạng thái khi mới thọ thân, tinh thần và vật chất mới vừa phối hợp, chưa có mắt, tai, mũi, lưỡi v.v... 

LỤC NHẬP: Sáu chỗ vào. Khi thân thể đã đủ 6 căn (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý) là chỗ của 6 trần cảnh phản ảnh vào. 

XÚC: Khi đã có 6 căn, bắt đầu tiếp xúc với 6 trần. 

THỌ: Sau khi tiếp xúc với 6 trần cảnh rồi lãnh thọ các cảnh. 

ÁI: Sau khi lãnh thọ trần cảnh rồi sanh tâm ưa thích. 

THỦ: Cầu thủ. Sau khi ưa thích rồi tìm cầu và nắm giữ. 

HỮU: Có. Sau khi cầu thủ rồi gây tạo thế nào cho có. 

SANH: Vì đã tạo nhơn là ưa thích, cầu thủ gây tạo cho có, tức là tạo nghiệp, nên phải thọ quả là sanh đời sau. 

LÃO TỬ: Sau khi sanh ra đã có thân, tất nhiên phải bị già rồi chết. 

*** 

CHÁNH VĂN 

Không có Tứ đế là:khổ, tập, diệt, đạo; cũng không có "Trí" tu chứng và đạo quả để chứng (đắc). Tóm lại, trong "Tướng không" (Bát Nhã) không có "đặng" cái gì cả.  

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói:Trong "Tướng không" (Bát Nhã) không có các pháp xuết thế gian như Tứ đế, Lục độ v.v.... 

Trong đoạn kinh này, chia làm ba phần: 

1. Trong Bát Nhã chơn không, không có Tứ diệu đế là pháp tu của bốn quả Thánh Thinh văn 

2. Trong Bát Nhã chơn không, cũng không có "Trí", là người tu chứng và "Đắc", là đạo quả để chứng. Trong phần này lại có 2 nghĩa: 

a. Nói chung, từ trước đến đây, theo văn kinh thì chỉ phá riêng về "pháp chấp"; nghĩa trong Bát Nhã chơn không, không có pháp ngụ uẩn, pháp Tứ đế, pháp Thập nhị nhân duyên v.v...Đến đây, mới phá chung cả ngã chấp và pháp chấp; nghĩa là trong Bát Nhã chơn không, không có người tu (ngã) và chứng (pháp); nói chung cả pháp Lục độ và quả Phật. 

b. Nói riêng, câu "không có trí và cũng không có chứng", có thể chỉ riêng cho pháp Lục độ. Vì từ trước đã nói "Trong Bát Nhã chơn không, không có pháp Tứ đế của Thinh văn, pháp Thập nhị nhơn duyên của Duyên giác"; đến đoạn văn này tất nhiên, "Trong Bát Nhã chơn không, cũng không có pháp Lục độ của Bồ Tát". 

3. Tóm lại, trong Bát Nhã chơn không, không có "Đặng" cái gì cả. Đoạn này cũng có 2 nghĩa: 

a. Nói chung, trong Bát Nhã chơn không, không có các pháp thế gian là năm uẩn mười hai xứ, mười tám giới và cũng không có các pháp xuất thế gian là Tứ đế, Thập nhị nhơn duyên, Lục độ, rốt sau là quả Phật. Nói tóm lại, là "không có đặng cái gì cả". 

b. Nói riêng, câu "không có đặng cái gì cả", có thể chỉ riêng cho đạo quả Bồ Đề Niết bàn của Phật. Vì từ trước đã nói: Trong Bát Nhã chơn không, không có pháp tu của Tam thừa là Tiểu thừa (Thinh văn), Trung thừa (Duyên giác) và Thượng thừa (Bồ Tát); đến đoạn văn này tất nhiên trong Bát Nhã chơn không, cũng không có Tối thượng thừa là quả vị Phật. Vì từ trước đã nói: Trong Bát Nhã chơn không, không có pháp tu của Tam thừa là Tiểu thừa (Thinh văn), Trung thừa (Duyên giác) và Thượng thừa (Bồ Tát); đến đoạn văn này tất nhiên trong Bát Nhã chơn không, cũng không có Tối thượng thừa là quả vị Phật. 

Tóm lại, trong "Tướng không" hay trong "Bát Nhã" không có Tứ thánh (Thinh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật) và Lục phàm (Thiên, nhơn, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sanh) hay nói một cánh khác là: "không có pháp gì cả". 

GIẢI DANH TỪ 

TỨ ĐẾ, Tức là Tứ Diệu Đế: Bốn sự thật, chắc chắn, muôn đời không thay đổi. 

KHỒ, Tức Khổ đế; chơn lý chắc chắn trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy tất cả những nỗi đau khổ trên thế gian này, mà mỗi chúng ta đều phải chịu, như ba khổ: 1. Khổ trên cái khổ (khổ khổ), 2. Khổ vì hư hoại (hoịa khổ), 3. Khổ vì thay đổi biến chuyển (hành khổ). Và tám khổ: 1. Sanh khổ, 2. Bịnh khổ, 3. Già khổ, 4. Chết khổ, 5. Đang thương nhau bị xa lìa là khổ, 6. Đang thù oán giận hờn lại gặp nhau là khổ, 7. Mong cầu không được là khổ (thất vọng), 8. Năm ấm quá thạnh là khổ (xem quyển Tứ Diệu Đế). 

TẬP, tức là Tập đế: chơn lý chắc thật trình bày nguyên nhơn của bể khổ trần gian là lý do vì đâu mà có những nỗi khổ này. Khổ đế như là bản kê hiện trạng của bịnh; còn Tập đế như là bản nói rõ nguyên nhơn của chứng bịnh, lý do vì sao bịnh. 

Tập là nhóm chứa; nghĩa là nhóm chứa các phiền não mê lầm. Phiền não rất nhiều, nói rộng thì đến 84000 món, nói hẹp thì có 10 món căn bản phiền não và 20 món chi mạc phiền não (xem quyển Tứ Diệu Đế, giải rõ). 

DIỆT, tức là Diệt đế hay Niết bàn. Kinh chép: "Các phiền não diệt gọi la Niết bàn. Xa lìa các pháp hữu vi cũng gọi là Niết bàn". Niết bàn có nhiều loại:  

1. Hữu Dư Y Niết bàn: Từ quả thánh thứ nhứt cho đến quả thánh thứ ba của Tiểu thừa tuy đã chứng Niết bàn, nhưng cái dư báo hãy còn. 

2. Vô Dư Y Niết bàn: Đến quả thánh thứ tư, là A La Hán thì các phiền não nghiệp báo không còn, hoàn toàn chứng được quả Niết bàn. 

3. Vô Trụ Xứ Niết bàn: Đây là quả Niết bàn của Bồ Tát. Bồ Tát đã tự tại giải thoát, nên chỗ nào cũng là cảnh Niết bàn của quí Ngài (xem quyển Tứ Diệu Đế). 

ĐẠO, tức là Đạo đế: phương pháp tu chơn chánh, chắc chắn để đến đạo quả Niết bàn. Phương pháp có 37 phẩm, chia làm 7 loại: 

1. Tứ niệm xứ 2. Tứ chánh cần 

3. Tứ như ý túc 4. Ngũ căn 

5. Ngũ lực 6. Thất Bồ Đề  

7. Bát Chánh Đạo (xem quyển Tứ Diệu Đế). 

CHÁNH VĂN 

Các vị Bồ Tát nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã (Tướng không) mà xa lìa được các cảnh mộng tường điên đảo nên tâm không còn ngăn ngại, lo sợ và chứng rốt ráo Niết bàn. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói: Bồ Tát nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã mà xa lìa được các cảnh sợ hãi của mộng tưởng điên đảo và chứng rốt ráo Niết bàn. 

Vì trong Trí huệ Bát Nhã không có "Đặng" cái gì cả nên Bồ Tát mới y theo Trí huệ Bát Nhã (Tướng không) mà xa lìa các điên đảo sợ hãi trong cảnh sanh tử đại mộng và chứng đặng rốt ráo quả Niết bàn. Đoạn này đồng nghĩa với bài tụng thứ 29, trong quyển Duy thức Tam thập tụng 

Nguyên văn bài tụng (dịch âm) 

Vô đắc bất tư nghị 

Thị xuất thế gian trí 

Xả nhị thô trọng cố 

Tiện chứng đắc chuyển y. 

Nghĩa là: cảnh giới "vô đắc" (không đặng) không thể nghĩ bàn. Vì cảnh giới này là trí xuất thế gian, đã bỏ hai món Thô trọng (phiền não chướng và Sở tri chướng) và chứng đặng hai món Bồ Đề Niết bàn. 

Mới đọc qua đoạn văn này và doạn văn tiếp sau, chúng ta thấy hình như mâu thuẩn với đoạn văn trên. Vì trong đoạn văn trên nói: "trong Bát Nhã chơn không, không có đặng cái gì cả"; còn đoạn văn này và đoạn văn tiếp sau đây lại nói: "Bồ Tát nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã mà chứng đặng rốt ráo Niết bàn. Chư Phật cũng nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã mà đặng đạo Vô thượng Bồ Đề ". 

Nhưng xét kỹ thì không phải mâu thuẩn. Vì "không có đặng cái gì cả", nên mới đặng tất cả. Cũng như cái gương hay màn bạc, nhờ không giữ chặt một hình ảnh gì cả, nên các hình ảnh mới hiện đủ cả. 

Cũng thế, trong Bát Nhã chơn không, vì không có một hình ảnh gì cả, nên tuỳ tịnh duyên hiện ra bốn quả thánh; tuỳ nhiểm duyên hiện ra sáu quả phàm, không thiếu một pháp nào cả. 

Tất cả chúng sanh, vì mê muội tánh Bát Nhã, nên trong chỗ không có cảnh vật mà tự thấy có đủ các cảnh vật, nào thế giới chúng sanh và sanh tử luân hồi v.v...Cũng như người ngủ chiêm bao, trong chỗ không có cảnh vật, mà hiện ra đủ các cảnh vật vui, buồn v.v...nên gọi là "mộng tưởng điên đảo". Rồi người chiêm bao kia, tâm bị cảnh vật trong chiêm bao chi phối, làm cho họ phải buồn rầu lo sợ, lắm điều chướng ngại. 

Các vị Bồ Tát nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã (Tướng không), thấy ngã, pháp đều không, năm uẩn chẳng có, thế giới và chúng sanh không còn, nên tâm không còn bị cảnh vật làm chướng ngiạ hay chi phối nữa, và không còn buồn lo sợ hãi. Cũng như người thức giấc chiêm bao, vì thấy cảnh chiêm bao là không, nên tâm không còn bị cảnh vật trong chiêm bao làm chướng ngại chi phối; không còn bị buồn lo sợ hãi bởi cảnh chiêm bao. Bởi thế nên nói: "Bồ Tát nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã, nên xa lìa các mộng tưởng điên đảo, tâm không còn bị chướng ngại và lo sợ v.v..." 

Người đã hoàn toà thức giấc chiêm bao, thì người ấy được an vui với cảnh thức tĩnh, không còn một tí gì sợ hãi lo buồn, bởi cảnh mê mộng nữa. Cũng thế, Bồ Tát khi đi sâu vào Trí huệ Bát Nhã, thì không còn bị cảnh thế gian đại mộng này làm cho tâm họ có một tí gì lo buồn sợ hãi nữa. Các Ngài hoàn toàn tự tại giải thoát và an vui với cảnh Niết bàn tịch mịch, nên nói: "rốt ráo Niết bàn". 

Tóm lại, Bồ Tát nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã, nên xa lìa các mộng tưởng điên đảo, không còn bị các khổ sanh tử và được rốt ráo Niết bàn. 

*** 

GIẢI DANH TỪ 

NIẾT BÀN, hay Niết bàn Na hay Nê hoàn, là do dịch âm chữ Phạn "NIrvana" mà ra. Niết bàn có nhiều nghĩa: 

NIẾT (nir) là ra khỏi; Bàn (vana) là rừng mê. Niết bàn là ra khỏi rừng mê 

Niết là chẳng; bàn là dệt; nghĩa là chẳng dệt ra sanh tử luân hồi nữa. Chữ Bàn cũng có nghĩa là không ngăn ngại. 

Niết bàn còn rất nhiều nghĩa nữa, song tóm lại không ngoài ba nghĩa như sau: 

1. Bất sanh: Nghĩa là không còn sanh ra các thứ mê lầm tội lỗi nữa. 

2. Giải thoát: Nghĩa là thoát ra ngoài sụ ràng buộc, không mắc vào các phiền não triền phược nữa. 

3. Tịch diệt: nghĩa là vắng lặng, dứt sạch. Vắng lặng, an lành, dứt ssạch tất cả nguồn gốc mê lầm. Vì Niết bàn có nhiều nghĩa như vậy, nên trong kinh thường để nguyên âm mà không có dịch nghĩa (xem quyển Tứ Diệu Đế). 

*** 

CHÁNH VĂN 

Các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều y theo Trí huệ Bát Nhã này (Tướng không) mà đặng đạo Vô thượng Bồ Đề. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói: Chư Phật nhờ y theo Trí huệ Bát Nhã mà chứng đặng Bồ Đề. 

Tất cả chư Phật trong ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai, trong khi tu nhơn, các Ngài đều dùng Trí huệ Bát Nhã, chiếu phá sạch hết các mây mù vô minh phiền não từ vô thỉ đến nay; nào ngã chấp pháp chấp đều không còn. Lúc bấy giờ chơn tâm, Phật tánh hay thật tướng Bát Nhã hiện ra, các Ngài chứng đặng đạo Vô thượng Bồ Đề, cũng gọi là thành Phật. 

Tóm lại, tất cả những người tu hành, từ phàm phu (Thập tín) trải qua Tám Hiền (Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng) đến Thập Thánh (Thập địa) rốt sau là quả Phật, không địa vị nàovà cũng không giờ phút nào, chẳng dùng Trí huệ Bát Nhã; nghĩa là nhờ Trí huệ Bát Nhã mà đặng thành tựu viên mãn. Bởi thế nên kinh chép: "Trí huệ là mẹ sanh ra tất cả chư Phật ". 

GIẢI DANH TỪ 

BỔ ĐỀ: Bồ Đề là dịch âm chữ Phạn "Bodhi" . Cựu dịch là "Đạo", nghĩa là thông suốt. Tân dịch là "Giác", có nghỉa là giác ngộ, mà giác ngộ tức là Phật (Phật dịch nghĩa là Giác) 

VÔ THƯỢNG BỔ ĐỀ: Tức là quả Phật Bồ Đề, không có quả Phật Bồ Đề nào trên nữa. 

Bồ Đề có nhiều từng bực: 

1. Sơ phát tâm Bồ Đề (người mới phát tâm Phật) 

2. Thinh văn Bồ Đề  

3. Duyên giác Bồ Đề  

4. Bồ Tát Bồ Đề  

5 Phật Bồ Đề (cũng gọi là Vô thượn Bồ Đề) 

CHÁNH VĂN 

Vì Trí huệ Bát Nhã (Tướng không) hãy diệt trừ hết các khổ, chắc chắn như vậy không hư dối, nên gọi là Thần chú Bát Nhã Ba La Mật Đa, cũng gọi là chú Đại Thần, chú Đại minh, chú Vô thượng và chú Vô đẳng đẳng. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói: Trí huệ Bát Nhã, có công năng diệt trừ các khổ, nên cũng gọi là Thần chú Bát Nhã v.v... 

Kinh này là kinh nhưng cũng là chú; vì người chí thành trì tụng, sẽ được linh nghiệm phi thường, tuỳ tâm mãn nguyện, cầu chi được nấy, mau lẹ phi thường, không khác gì thần chú, nên cũng gọi là "THần chú Bát Nhã Ba La Mật Đa". 

Kinh này thần diệu không thể xét lường được. Người thọ trì đọc tụng kinh này sẽ được thành tựu công đức không thể nghĩ bàn và được đại giải thoát, nên gọi là "chú Đại thần". 

Kinh này có khả năng phá trừ gốc rễ của vô minh phiền não từ vô thỉ đến nay, và làm hiển lộ Phật tánh sáng suốt, nên gọi là "chú Đại minh". 

Người trì kinh này sẽ đặng đạo Vô thượng Bồ Đề, nên cũng gọi là "chú Vô thượng". 

Người chí tâm trì tụng kinh này sẽ đặng Phật tánh bình đẳng như như bất động, và sẽ chứng được quả Phật là quả cao tột, không quả vị nào sánh bằng, nên gọi là "chú Vô đẳng đẳng". 

Tóm lai, kinh này có công năng thần diệu phi thường, cũng như thần chú, có thể diệt trừ hết gốc rễ vô minh phiền não, làm cho hành giả hết khổ được đại giải thoát và minh tâm kiến tánh thành Phật, nên gọi là "chú Bát Nhã" v.v... 

GIẢI DANH TỪ 

CHÚ: Tiếng Phạn gọi là "Đà La Ni"; Trung Hoa dịch là "chú"; tức là những bài kinh không có nghĩa, cũng gọi là "mật giáo". Hành giả chí thành đọc tụng, sẽ được linh nghiệm như thần nên cũng gọi là "Thần chú" 

*** 

CHÁNH VĂN 

Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát, liền nói thần chú Bát Nhã: "Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha". 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói về Thần chú Bát Nhã. 

Tất cả kinh điển của Phật có thể chia làm hai loại: Hiển giáo và Mật giáo. Nhưng kinh sách nào giảng dạy nghĩa lý và phương pháp tu hành rõ ràng, hành giả y theo đó thật hành, sẽ được thành công đắc quả, thì gọi là Hiển giáo. Trái lại, như các Thần chú, hành giả không cần biết nghĩa lý, chỉ chí tâm trì tụng, sẽ được linh nghiệm phi thường, cầu chi được nấy, tuỳ tâm mãn nguyện, thì gọi là "Mật giáo". 

Bát Nhã Tâm Kinh, đủ cả Hiển giáo và Mật giáo. Từ câu: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm v.v...cho đến câu: "tức thuyết chú viết", là thuộc về Hiển giáo. Từ câu: "Yết đế yết đế " cho đến câu "Bồ Đề tát bà ha", là thuộc về Mật giáo. 

Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát, trước nói kinh Bát Nhã, giảng giải nghĩa lý rõ ràng để cho người tu hành y theo đó thật hành sẽ đuợc trí tuệ Bát Nhã. 

Tiếp theo kinh, Ngài nói thần chú Bát Nhã, để cho người tu hành, chí thành trì tụng (không cần biết nghĩa) tâm họ sẽ được định. Nhờ có định mới phát sanh ra Trí huệ và sẽ nhập được Thật Tướng Bát Nhã. Nghĩa là từ văn tự Bát Nhã tiến lên Quán chiếu Bát Nhã, rồi đến Thật Tường Bát Nhã. 

Về Thần chú, từ xưa đến nay hầu hết chư Tổ, đều không dịch nghĩa. Bởi các lý do như sau: 

1. Thần chú là mật ngữ (lời nói mật) của chư Phật, không phải chúng phàm phu có thể biết được. 

2. Thần chú là tên của các vị Thần, đọc đến thì chư Thần sẽ đến bảo hộ cho hành giả được toại nguyện 

3. Thần chú cũng như các mật hiệu của nhà binh, hành giả chí tâm trì tụng, sẽ được hiệu nghiệm phi thường. 

4. Chữ "Chú" nghĩa là nguyện. Hành giả chí thành trì tụng, sẽ được tuỳ tâm mãnm nguyện. 

Tóm lại, Thần chú Bát Nhã thuộc về Mật giáo, có nhiều lý do không thể phiên dịch được. Người chí tâm trì tụng sẽ được lợi ích vô cùng vô tận.  
  

Dịch tại PHƯỚC HẬU Cổ tự TRÀ ÔN  
Dịch xong ngày 6 9 năm Ất Tî PLl 2509  

Nhằm ngày 30 10 1965 

Xem mục lục
Chùa Việt
2015-02-07-15-31-49ToanCanhTinhXa.jpg
2015-02-07-15-41-19ChuaQanTheAm.jpg
2015-02-07-15-38-52MatTienChua2.jpg
2015-02-08-08-35-33CHuaHaiDuc.jpg
2015-02-07-15-45-31ChuaQuanAm.jpg
2015-02-07-16-27-56DienPhat.jpg
2015-02-07-15-30-35ChuaPhuocAn.jpg
2015-02-08-08-52-04MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-16-33ChuaDieuAn.jpg
2015-02-07-16-11-32MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-30-39MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-19-12MatTienChua.jpg