ĐOẠN I
PHÓNG HÀO-QUANG, HIỆN ĐIỀM-LÀNH
Khi bấy giờ, đức Thế-tôn nơi sư-tử tọa, năm vóc đồng phóng ra hào-quang báu, rọi xa trên đỉnh thập phương Như-lai số như vi-trần và trên đỉnh các vị Pháp-vương-tử, các vị Bồ-tát. Các đức Như-lai kia, năm vóc cũng đồng phóng ra hào-quang báu, từ các thế-giới số như vi-trần đến rọi trên đỉnh Phật và trên đỉnh các vị Đại-bồ-tát và A-la-hán trong Hội; rừng cây, ao hồ đều diễn ra pháp-âm; hào-quang giao-xen cùng nhau như lưới tơ báu. Cả trong đại-chúng được cái chưa từng có; tất-cả đều được Kim-cương-tam-muội. Liền khi ấy, trời mưa hoa sen bách-bảo màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng xen-lộn lẫn nhau, thập phương hư-không hóa-thành sắc thất-bảo. Đất liền, núi sông của cõi Sa-bà nầy cùng một lúc không hiện ra, chỉ thấy vi-trần quốc-độ thập-phương hợp-thành một giới, tiếng hát ca-ngợi tự-nhiên nổi lên.
ĐOẠN II
PHẬT BẢO NGÀI VĂN-THÙ LỰA-CHỌN CĂN VIÊN-THÔNG
Khi bấy-giờ, đức Như-lai bảo Ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử rằng: “Ông hãy xét trong 25 vị vô-học Đại-bồ-tát và A-la-hán, mỗi mỗi đều trình-bày phương-tiện hành-đạo lúc đầu, đều nói tu-tập tính viên-thông chân-thật; chỗ tu-hành của các vị kia, thật không có hơn, kém, trước, sau gì khác nhau. Nay tôi muốn khiến cho ông A-nan khai-ngộ, thì trong 25 phép tu, phép nào hợp với căn-cơ của ông ấy; lại, sau khi tôi diệt-độ rồi, chúng-sinh trong cõi nầy vào thừa Bồ-tát, cầu đạo vô-thượng, thì do pháp-môn phương-tiện gì, được dễ thành-tựu hơn?”
ĐOẠN III
LỰA RA NHỮNG CĂN KHÔNG PHẢI VIÊN
Chi I. – Tán-thán tính-giác vốn diệu và chỉ rõ mê-vọng vốn không.
Ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, vâng từ-chỉ của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật, dựa vào uy-thần của Phật, nói bài kệ đáp lại:
“Bản-tính biển Giác khắp đứng-lặng,
Tính khắp đứng-lặng vốn nhiệm-mầu,
Bản-minh chiếu ra hình-như sở,
Lập tướng sở, bỏ mất bản-minh.
Do mê-vọng, mà có hư-không,
Nương hư-không, lập-thành thế-giới;
Tư-tưởng chăm-chú thành cõi-nước,
Hay-biết mọi việc, là chúng-sinh.
Hư-không sinh ra trong đại-giác,
Như một bọt-nước sinh trong bể;
Các nước hữu-lậu, như vi-trần
Đều nương hư-không, mà phát-sinh;
Bọt-nước diệt, vốn không hư-không,
Huống nữa là, hình-tướng ba cõi.
Chi 2. – Nêu rõ phương-tiện có mau chậm
“Bản-tính xoay về, vốn không hai,
Phương-tiện tu-chứng có nhiều cách,
Cách nào cũng thông vào bản-tính,
Nói thuận, nghịch, chỉ là phương-tiện;
Do hàng sơ-tâm vào Tam-muội,
Bên mau, bên chậm không đồng nhau.
Chi 3. – Lựa ra 6 trần
“Vọng-tưởng kết-lại thành sắc-trần,
Hay-biết không thể thông-suốt được;
Làm sao, chính chỗ không thông-suốt,
Tu-hành, lại được tính viên-thông?
Âm-thanh xen-lộn với lời nói,
Chỉ nương theo ý-vị danh-từ;
Nếu một, không trùm được tất-cả,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Hương, chỉ lúc hợp, mới rõ-biết,
Lúc rời-cách, thì vốn không có;
Nếu sở-giác, không được thường-xuyên,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Vị, không phải bản-nhiên tự có,
Cần phải nếm, mới biết có vị;
Nếu giác-quan, không thường duy-nhất,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Xúc, do các vật chạm mà biết,
Không vật chạm, thì không thành xúc;
Khi hợp, khi ly, không nhất-định,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Pháp, cũng có tên là nội-trần,
Nương theo trần, tất phải có sở;
Năng sở, không viên-dung nhập một,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Chi 4. – Lựa-ra 5 căn
“Cái thấy, tuy rỗng-suốt rất xa,
Nhưng thấy trước, mà không thấy sau;
Bốn-bề, còn thiếu mất một nửa,
Thì làm sao, được tính viên-thông!
Mũi, có thở ra và thở vào,
Chặng giữa, hiện không có hơi-thở,
Nếu không viên-dung sự cách-bức,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Ngoài sở-nhập, tính-nếm không thành,
Nhân các vị, mới có hay-biết;
Không có vị, rốt-ráo không có,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Thân biết-xúc với cảnh sở-xúc,
Đều có hạn, không phải cùng khắp;
Nếu không nhận tính không bờ-bến,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Ý-căn xen với các loạn-tưởng,
Đứng-lặng, rốt-cuộc không thấy gì;
Nếu không thoát được các tưởng-niệm,
Thì làm sao, được tính viên-thông?”
Chi 5. – Lựa-ra 6 thức.
“Nhãn-thức, phát-khởi nhờ căn trần,
Gạn-cùng, vốn không có tự-tướng;
Cả tự-thể, còn không nhất-định,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Tâm nghe rỗng-thấu cả mười phương,
Là do sức hoằng-thệ rộng-lớn;
Sơ-tâm, không thể đến chỗ ấy
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Quán đầu-mũi, vốn là duyên-cơ,
Chỉ để nhiếp-tâm được an-trụ;
Nếu cảnh-quán, lại thành sở-trụ,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Thuyết-pháp, diệu-dụng các danh-từ;
Cốt phải đã được khai-ngộ trước;
Nếu lời nói, không phải vô-lậu,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Giữ giới, chỉ câu-thúc cái thân,
Ngoài cái thân, lấy gì câu-thúc;
Vốn không phải cùng khắp tất-cả,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Thần-thông, do túc-tập từ trước,
Nào dính gì ý-thức phân-biệt;
Tưởng-niệm, không thoát-ly sự-vật,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Chi 6. – Lựa-ra 7 đại
“Nếu quán cái tính của địa-đại,
Thì nó ngăn-ngại, không thông-suốt;
Pháp hữu-vi, không phải chân-tính,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của thủy-đại,
Quán-tưởng, đâu phải là chân-thật,
Nếu không đi đến Diệu-chân-như,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán hỏa-đại, trừ dâm-dục,
Chán cái có, không phải thật ly;
Phương-tiện, không hợp với sơ-tâm,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của phong-đại,
Động, tĩnh, đâu phải không đối-đãi;
Đối-đãi, trái với vô-thượng-giác,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của không-đại,
Hư-không vô-tri, không hay-biết;
Không biết, khác hẳn với Bồ-đề,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Nếu quán cái tính của thức-đại,
Thức sinh-diệt, đâu phải thường-trụ,
Để tâm trong phân-biệt hư-vọng,
Thì làm sao, được tính viên-thông?
Tất-cả các hành đều vô-thường,
Tưởng-niệm, vốn trong vòng sinh diệt,
Nhân và quả, khác nhau như thế,
Thì làm sao, được tính viên-thông?”