Sách (2)


Xem mục lục

ĐOẠN I
THỈNH-HỎI CẦU KHAI-THỊ

Ông A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nghe Phật dạy-bảo, đỉnh-lễ kính vâng, ghi-nhớ không sót, ở trong đại-chúng lại bạch Phật rằng : “Như lời Phật dạy, trong tướng Ngũ-ấm, có năm thứ hư-vọng làm cái tưởng cỗi-gốc, chúng tôi bình-thường chưa được nhờ đức Như-Lai khai-thị tỷ-mỷ như thế. Lại Năm-ấm ấy, là tiêu-trừ một lần hay theo thứ lớp mà hết? Năm lớp như thế, đến đâu làm giới-hạn? Xin nguyện đức Như-Lai phát lòng đại-từ, làm cho tâm và con mắt đại-chúng nầy được trong sáng, để làm đạo-nhãn tương-lai cho tất-cả chúng-sinh trong đời mạt-pháp”.

ĐOẠN II
ĐỨC NHƯ-LAI ĐÁP THẲNG

Phật bảo ông A-nan: “Tính tinh-chân là diệu-minh, tính bản-giác là viên-tịnh, không còn để lại những sự sống chết và các trần-cấu; cho đến cả cái hư-không, cũng đều nhân vọng-tưởng mà sinh-khởi ra. Tất-cả cái ấy, gốc nơi bản-giác diệu-minh chân-tính, vọng phát-sinh ra các khí-thế-gian, như anh Diễn-nhã-đa mê cái đầu, mà nhận cái bóng. Vọng vốn không có nhân; ở trong vọng-tưởng lập ra tính nhân-duyên, khi mê tính nhân-duyên, thì gọi là tự-nhiên. Cả tính hư-không kia, còn thật là huyễn-hóa sinh ra và nhân-duyên, tự-nhiên đều là những sự so-đo của vọng-tâm chúng-sinh. A-nan, biết do vọng sinh-khởi ra, mà nói nhân-duyên vọng; nếu cái vọng vốn không, thì nhân-duyên vọng đó, vốn không có gì, huống nữa, không biết mà cho là tự-nhiên; vậy nên Như-Lai phát-minh cho các ông rằng bản-nhân của Ngũ-ấm, đồng là vọng-tưởng.

Thân-thể của ông trước kia, nhân cái tưởng của cha mẹ mà sinh, tâm của ông, nếu không phải là tưởng, thì không thể đến gá cái mạng vào trong tưởng. Như trước tôi đã nói: Tâm tưởng vị chua, trong miệng nước-bọt sinh ra; tâm tưởng lên cao, trong lòng bàn chân nghe ghê-rợn; dốc cao không có, vật chua chưa đến, cái thân-thể của ông nếu không phải cùng loài hư-vọng, thì làm sao nhân nghe nói chua, trong miệng nước bọt lại chảy ra; vậy ông nên biết, sắc-thân hiện-tiền của ông, gọi là vọng-tưởng kiên-cố thứ nhất.

Tức nơi tâm tưởng-tượng việc lên cao, vừa nói trước kia, nó có thể khiến thân ông thật chịu ghê-rợn; nhân các thụ sinh ra, có thể xúc-động đến sắc-thân. Vậy hiện nay, hai thứ thụ thuận-ích và vi-tổn đang rong-ruổi nơi ông, thì gọi là vọng-tưởng hư-minh thứ hai.

Do những ý-nghĩ sai-khiến sắc-thân của ông; nếu sắc-thân không phải cùng loài, thì làm sao thân ông lại theo ý-nghĩ sai-khiến, nhận các thứ hình-tượng, sinh tâm chấp-nhận các hình, phù-hợp với ý-nghĩ; lúc thức là tưởng-tâm, lúc ngủ làm chiêm-bao. Vậy những vọng-tính lay-động tưởng-nghĩ của ông gọi là vọng-tưởng dung-thông thứ ba.

Sự chuyển-hoá không dừng, xoay-vần thầm-thầm dời-đổi; móng tay dài, tóc sinh ra, khí-lực tiêu, da mặt nhăn, ngày đêm thay-đổi, mà không hề hay-biết. A-nan, nếu cái đó không phải là ông, thì làm sao thân ông, lại dời-đổi; nhưng, nếu nó thật là ông, thì sao ông lại không hay-biết. Vậy, các hành niệm-niệm không dừng của ông, gọi là vọng-tưởng u-ẩn thứ tư.

Lại chỗ tinh-minh đứng-lặng, không lay-động của ông, gọi là thường-còn, thì nơi thân ông, không ra ngoài những sự thấy, nghe, hay, biết. Nếu nó thật là tính tinh-chân, thì không thể huân-tập được điều vọng; vì thế nhân gì bọn ông, trong mấy năm trước, đã từng xem một vật lạ; trải qua nhiều năm không hề nghĩ đến; về sau bỗng-nhiên thấy vật lạ đó, thì nhớ lại rõ-ràng, không có thiếu-sót; vậy trong tính tinh-minh đứng-lặng, không lay-động ấy, từng niệm từng niệm chịu huân-tập, không thể tính-toán hết được; A-nan, nên biết cái đứng-lặng đó, không phải thật, như nước chảy gấp, trông như đứng-lặng, vì chảy gấp mà không thấy, chứ không phải không chảy. Nếu cỗi-gốc cái đó, không phải vọng-tưởng, thì đâu lại chịu để hư-vọng huân-tập. Nếu sáu căn của ông chưa được tự-tại chia-hợp, dùng thay lẫn nhau, thì cái vọng-tưởng đó không lúc nào diệt được. Vậy nên hiện nay, cái tập-khí quán-xuyến tập-trung những điều thấy, nghe, hay, biết của ông, là cái vọng-tưởng điên-đảo vi-tế, huyễn-hóa, rỗng-trống thứ năm, trong tính trạm-liễu của ông.

A-nan, năm cái ấm đó, do năm vọng-tưởng tạo-thành. Nay ông muốn biết giới-hạn sâu-cạn, thì chỉ sắc và không là biên-giới của Sắc-ấm, chỉ xúc và ly là biên-giới của Thụ-ấm; chỉ nhớ và quên là biên-giới của Tưởng-ấm; chỉ diệt và sinh là biên-giới của Hành-ấm; đứng-lặng vào hợp với đứng-lặng là biên-giới của Thức-ấm.

Năm ấm ấy vốn trùng-điệp sinh-khởi; sinh, nhân Thức-ấm mà có, diệt, từ Sắc-ấm mà trừ; lý, thì ngộ liền, nhân cái ngộ đều tiêu; sự, không phải trừ liền, theo thứ lớp mà diệt hết.

Tôi đã chỉ cho ông về cái nút khăn Kiếp-ba-la, có chỗ nào không rõ mà ông phải hỏi lại. Tâm ông cần phải thông-suốt về cỗi-gốc vọng-tưởng đó, rồi đem truyền-bày cho những người tu-hành trong đời mạt-pháp sau nầy, khiến cho họ biết hư-vọng, tự sinh nhàm-chán và biết có Niết-bàn, không luyến-tiếc ba cõi.

 

Xem mục lục
Chùa Việt
2015-02-07-16-13-08matTienThienVien.jpg
2015-02-07-16-29-29ChanhDien.jpg
2015-02-07-14-03-38MatTienChua.jpg
2015-02-07-15-50-10ChuaHaiDuc.jpg
2015-02-08-08-39-59ChuaLinhSonDongThien.jpg
2015-02-07-14-01-55ChuaMinhTinh.jpg
2015-02-07-15-53-10MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-32-42CHuaVienGiac.jpg
2015-02-07-16-30-06MatTienChua.jpg
2015-02-08-08-33-57ChuaDieuDuc.jpg
2015-02-07-15-50-56MatTienCHua2003.jpg
2015-02-07-16-34-47MatTienChua.jpg