ĐOẠN I
KHAI-THỊ CHỖ HƯ-VỌNG
“A-nan, xét-rõ bảy loài địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh, người và thần-tiên, trời và A-tu-la như thế, đều là những tướng hữu-vi tối-tăm, giả-dối tưởng-tượng thụ-sinh, giả-dối tưởng-tượng theo nghiệp; đối với tâm-tính Diệu-viên-minh, bản-lai không năng-tác, sở-tác, thì đều như hoa-đốm giữa hư-không, vốn không dính-dáng; chỉ một cái hư-vọng, chứ không có cỗi-gối manh-mối gì.
ĐOẠN II
KHAI-THỊ VỀ NGHIỆP-NHÂN
“A-nan, những chúng-sinh đó, không nhận được tâm-tính bản-lai, chịu cái luân-hồi như thế trong vô-lượng kiếp, mà không chứng được chân-tính thanh-tịnh, đó đều do chúng thuận theo những sát, đạo, dâm, hoặc ngược lại ba cái đó, thì lại sinh ra không-sát, không-đạo, không-dâm; có, thì gọi là loài quỷ, không, thì gọi là loài trời; có và không thay nhau, phát-khởi ra tính luân-hồi.
ĐOẠN III
CHỈ-TỎ SỰ TU-HÀNH CHÂN-CHÍNH
“Nếu khéo tu-tập phát-huy phép Tam-ma-đề, thì trong bản-tính thường-diệu, thường-tịch, cả hai cái có, cái không đều không và cái không có, không không cũng diệt, còn không có gì là bất-sát, bất-đạo, bất-dâm, làm sao lại còn thuận theo được những việc sát, đạo, dâm.
ĐOẠN IV
TỔNG-KẾT VỀ QUẢ-BÁO ĐỒNG-PHẬN
“A-nan, không đoạn được ba nghiệp, thì mỗi mỗi chúng-sinh đều có phần riêng, nhân những cái riêng ấy, mà quả-báo đồng-phận-chung của các cái riêng, không phải là không chỗ nhất-định; đó là do vọng-kiến của tự mình phát-sinh ra; hư-vọng phát-sinh vốn không có nhân, không thể tìm-xét nguồn-gốc được.
ĐOẠN V
KHUYÊN ĐOẠN-TRỪ
“Ông khuyên người tu-hành, muốn được đạo Bồ-đề, cốt-yếu phải trừ tam-hoặc; tam-hoặc không hết, thì dầu được thần-thông, cũng đều là những công-dụng hữu-vi của thế-gian; tập-khí mê-lầm đã không diệt, thì lạc vào đường ma; tuy muốn trừ cái vọng, nhưng lại càng thêm giả-dối; Như-lai bảo là rất đáng thương-xót. Như thế, đều do vọng-kiến tự mình tạo ra, không phải là lỗi của tính Bồ-đề.
Nói như thế ấy, tức là lời nói chân-chính; nếu nói khác thế, tức là lời nói của Ma-vương”.