Sách (2)


Xem mục lục

“A-nan, tất-cả những người tu tâm trong thế-gian, không nhờ Thiền-na, thì không có trí-tuệ.

Người nào giữ được cái thân không làm việc dâm-dục, trong lúc đi, lúc ngồi, đều không nghĩ-nhớ, lòng ái-nhiễm không sinh, không còn ở trong Dục-giới, thì bản-thân liền được làm phạm-lữ; một loài như thế, gọi là Phạm-chúng-thiên.

Tập-quán ngũ-dục đã trừ rồi, tâm ly-dục hiện ra, vui-vẻ thuận theo các luật-nghi, thì người đó liền có thể thực-hành những phạm-đức; một loài như thế, gọi là Phạm-phụ-thiên.

Thân tâm hoàn-toàn thanh-tịnh, uy-nghi không thiếu, cấm-giới trong-sạch, lại có thêm trí-sáng, thì người đó liền được thống-lĩnh phạm-chúng, làm đại-phạm-vương; một loài như thế, gọi là Đại-phạm-thiên.

A-nan, ba loài-tốt đó, tất-cả khổ-não không bức-bách được; tuy không phải chân-chính tu phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh-tịnh, những lầm-lạc của Dục-giới không lay-động được, nên gọi là Sơ-thiền.

A-nan, thứ nữa, các hàng phạm-thiên khi thống-lĩnh phạm-chúng, lại tu-tập phạm-hạnh được viên-mãn, làm cho tâm đứng-lặng không lay-động, và do sự đứng-lặng ấy, sinh ra sáng-suốt; một loài như thế, gọi là Thiểu-quang-thiên.

Hào-quang sáng-suốt thêm nhiều, chói-sáng không cùng, ánh vào thập phương thế-giới đều thành trong-sáng như ngọc lưu-ly; một loài như thế, gọi là Vô-lượng-quang-thiên.

Nắm-giữ hào-quang viên-mãn, tạo thành giáo-thể, phát ra sự giáo-hóa thanh-tịnh, ứng-dụng không cùng; một loài như thế, gọi là Quang-âm-thiên.

A-nan, ba loài-tốt ấy, tất-cả lo-buồn không bức-bách được; tuy không phải chân-chính tu-hành phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh-tịnh, những lầm-lạc thô-động đã dẹp xuống, nên gọi là Nhị-thiền.

A-nan, những loài trời như thế, khi dùng hào-quang viên-mãn làm việc giáo-hóa, do sự giáo-hóa càng rõ lẽ nhiệm-mầu, phát ra hạnh tinh-tiến, thông với cái vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Thiểu-tịnh-thiên.

Cảnh thanh-tịnh hiện-tiền, dẫn-phát không có bờ-bến, thân tâm được khinh-an, thành cái vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Vô-lượng-tịnh-thiên.

Thế-giới và thân tâm, tất-cả hoàn-toàn thanh-tịnh, đức thanh-tịnh được thành-tựu, cảnh-giới thù-thắng hiện-tiền, dồn về vui yên-lặng; một loài như thế, gọi là Biến-tịnh-thiên.

A-nan, ba loài-tốt đó, đầy-đủ công-hạnh đại-tùy-thuận, thân tâm yên-lặng, được cái vui vô-lượng; tuy không phải chân-chính được phép Tam-ma-đề của đạo Phật, nhưng trong tâm yên-ẩn, hoan-hỷ được đầy-đủ, nên gọi là Tam-thiền.

A-nan, lại nữa, những loài trời đó, thân tâm không bị bức-bách, nguyên-nhân của khổ đã hết, lại xét cái vui không phải thường-trụ, lâu rồi cũng phải tiêu-tan, nên cả hai tâm khổ và vui, đồng-thời đều phóng-xả; những tướng thô-nặng đã diệt, thì phúc thanh-tịnh sinh ra; một loài như thế, gọi là Phúc-sinh-thiên.

Tâm phóng-xả được viên-mãn, sự nhận-hiểu cao-xa càng thanh-tịnh; trong cái phúc không gì trở-ngại đó, được sự tùy-thuận nhiệm-mầu cùng-tột vị-lai; một loài như vậy, gọi là Phúc-ái-thiên.

A-nan, từ cõi trời đó, có hai đường trẽ : Nếu dùng cái tâm sáng-suốt thanh-tịnh vô-lượng trước kia, mà tu-chứng an-trụ nơi phúc-đức viên-mãn sáng-suốt, thì một loài như thế, gọi là Quảng-quả-thiên.

Nếu nơi cái tâm trước kia nhàm-chán cả cái khổ và cái vui, lại nghiền-ngẫm cái tâm phóng-xả, tiếp-tục không ngừng, đi đến cùng-tột sự phóng-xả, thân tâm đều diệt hết, ý-nghĩ bặt mất, trải qua năm trăm kiếp; song, người ấy đã lấy cái sinh-diệt làm nhân, thì không thể phát-minh tính không-sinh-diệt, nên nửa kiếp đầu thì diệt, nửa kiếp sau lại sinh; một loài như thế, gọi là Vô-tưởng-thiên.

A-nan, bốn loài-tốt ấy, tất-cả những cảnh khổ vui trong thế-gian không lay-động được; tuy không phải là chỗ bất-động chân-thật của đạo vô-vi; song, nơi cái tâm hữu-sở-đắc, công-dụng đã thuần-thục, nên gọi là Tứ-thiền.

A-nan, trong đó, lại có năm bậc Bất-hoàn-thiên, các vị này đã diệt hết tập-khí chín phẩm tư-hoặc trong cõi dưới rồi, khổ vui không còn, bên dưới không có chỗ ở, nên an-lập chỗ ở nơi chúng-đồng-phận của tâm phóng-xả.

A-nan, khổ vui cả hai đều diệt, không còn tâm-niệm ưa-ghét; một loài như thế, gọi là Vô-phiền-thiên.

Tự-tại phóng-xả, không còn năng-xả, sở-xả; một loài như thế, gọi là Vô-nhiệt-thiên.

Khéo thấy thế-giới mười phương thảy đều đứng-lặng, không còn tất-cả những cấu-nhiễm trầm-trọng của trần-cảnh; một loài như thế, gọi là Thiện-kiến-thiên.

Tri-kiến thanh-tịnh hiện-tiền, sử-dụng được không ngăn-ngại; một loài như thế, gọi là Thiện-hiện-thiên.

Quán-sát rốt-ráo các cực-vi, cùng-tột tính của sắc-pháp, vào tính không bờ-bến; một loài như thế, gọi là Sắc-cứu-kính-thiên.

A-nan, những bậc Bất-hoàn-thiên đó, chỉ riêng bốn vị thiên-vương Tứ-thiền được có kính-nghe, nhưng không thể thấy-biết; cũng như hiện nay, có các thánh-đạo-trường nơi rừng sâu đồng rộng thế-gian, đều là những nơi trụ-trì của các vị A-la-hán, nhưng những người thô-thiển thế-gian không thể thấy được.

A-nan, mười tám loài trời đó, tâm thường ở trong định, không dính-dáng với trần-cảnh, song chưa hết cái lụy của hình-hài; từ đó trở về, gọi là Sắc-giới.

Xem mục lục
Chùa Việt
2015-02-07-16-26-25MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-36-16ChuaSacTuTInhQuang.jpg
2015-02-07-16-32-15ToanCanhCHua.jpg
2015-02-07-14-05-34TinhXaNgocNhon.jpg
2015-02-07-16-38-25ChuaThanhHa.jpg
2015-02-07-15-49-08ChuaGiacHai.jpg
2015-02-07-15-57-08ToanCanhTinhXa.jpg
2015-02-07-16-19-12MatTienChua.jpg
2015-02-08-08-53-44CHuaVanPhuoc.jpg
2015-02-08-08-49-45CHuaTruclam.jpg
2015-02-07-16-01-06ToanCanhChua.jpg
2015-02-07-15-32-56MatTienTinhXa.jpg