ĐOẠN I
NGHI GIÁC-TÍNH VÌ NHÂN GÌ MÀ CÓ VỌNG
Ông Phú-lâu-na bạch: “Chân-tâm viên-giác diệu-minh của tôi và của Như-lai, đều viên-mãn không hai, mà tôi, trước kia mắc vọng-tưởng vô-thủy, ở lâu trong luân-hồi, nay được thánh-thừa, còn chưa rốt-ráo; Thế-tôn, thì khắp tất-cả các vọng đều diệt trọn, chỉ có diệu-dụng tính chân-thường. Xin hỏi đức Như-lai, hết thảy chúng-sinh, vì nhân gì mà có vọng, tự che tính diệu-minh, mà chịu chìm-đắm như vậy?”
ĐOẠN II
CHỈ MÊ VỐN KHÔNG NHÂN
Phật bảo ông Phú-lâu-na: “Ông tuy trừ được lòng nghi, nhưng còn những điều lầm chưa dứt hết. Nay tôi lại đem những việc hiện-tiền thế-gian mà hỏi ông. Há ông không nghe trong thành Thất-la-phiệt, có anh Diễn-nhã-đạt-đa, buổi mai lấy gương soi mặt, bỗng-nhiên ưa cái đầu trong gương, lông mày, con mắt có thể thấy được, rồi giận-trách cái đầu mình, sao lại không thấy mặt mày, cho là giống yêu-quái, rồi không cớ gì phát điên bỏ chạy. Ý ông nghĩ thế nào, người đó vì nguyên-nhân gì, vô cớ phát điên bỏ chạy?”
Ông Phú-lâu-na bạch: “Tâm người ấy điên, chứ không có cớ gì khác.”
Phật dạy: “Tính diệu-giác viên-mãn sáng-suốt, bản-lai là diệu-minh cùng-khắp; đã gọi là vọng, thì làm sao có nhân, nếu có nguyên-nhân, thì sao gọi là vọng? Chỉ tự các vọng tưởng xoay-vần làm nguyên-nhân cho nhau, theo cái mê, chứa cái mê, trải qua kiếp số như vi-trần; tuy Phật phát-minh, còn không biết trở về. Nguyên-nhân cái mê như vậy, là nhân mê tự có, biết cái mê không có nhân, thì cái vọng không chỗ nương-tựa, còn không có sinh, thì muốn đem cái gì mà làm cái diệt. Người được đạo Bồ-đề như người tỉnh-giấc kể chuyện trong chiêm-bao; tâm dầu rõ-ràng, nhưng không thể có nhân-duyên gì lấy được những vật trong chiêm-bao; huống nữa, cái mê lại không có nhân, vốn không có gì cả. Như anh Diễn-nhã-đạt-đa trong thành kia, đâu có nhân-duyên, mà tự sợ đầu mình bỏ chạy, bỗng-nhiên hết điên, thì cái đầu đâu phải từ ngoài đưa tới; dầu chưa hết điên, cái đầu cũng không hề mất. Phú-lâu-na, tính của cái vọng là như vậy, làm sao còn có nguyên-nhân được.”
ĐOẠN III
CHỈ DỨT CÁC DUYÊN THÌ HẾT ĐIÊN VÀ GIÁC-TÍNH VỐN CÙNG KHẮP
“Ông chỉ không theo phân-biệt ba thứ tiếp-tục nơi thế-gian, nghiệp-quả, chúng-sinh”, thì ba duyên đã đoạn rồi, ba nhân không sinh ra nữa, và tính điên của anh Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông tự hết. Hết, tức là tâm-tính Bồ-đề trong-sạch sáng-suốt, bản-lai cùng khắp pháp-giới, không do ai đưa lại, nào cần gì phải tu-chứng nhọc-nhằn vất-vả.
Ví như có người, ở nơi áo mình, buộc một hạt châu như-ý, mà không hay-biết, nên phải xin ăn rong-ruổi phương xa, nghèo-nàn rách-rưới; tuy người ấy thật nghèo-nàn, nhưng hạt châu không hề bị mất; bỗng-nhiên có người khôn, chỉ hạt châu ra cho, thì người ấy muốn gì được nấy, thành giàu-có lớn, rồi mới ngộ được hạt châu quý-hóa ấy, không phải do ở ngoài đưa tới”.