Sách (2)


Xem mục lục

Chi 1. – Thu 2 xứ sắc-trần và nhãn-căn.

“Lại nữa, A-nan, vì sao bản-tính của 12 xứ, vốn là tính chân-như nhiệm-mầu của Như-lai-tạng?

A-nan, ông hãy xem rừng cây Kỳ-đà và các suối ao đó; ý ông nghĩ thế nào? Như thế là sắc-trần sinh ra cái thấy, hay cái thấy sinh ra sắc-tướng?

A-nan, nếu cái thấy sinh ra sắc-tướng, thì khi thấy hư-không, không có sắc-tướng, lẽ ra tính-thấy sinh ra sắc-tướng đã tiêu mất rồi. Mà đã tiêu mất, thì tỏ ra hết thảy đều không; sắc-tướng đã không, thì lấy gì rõ được tướng hư-không? Đối với hư-không thì cũng như vậy.

Lại nếu sắc-trần sinh ra cái thấy, thì khi thấy hư-không, không có sắc, cái thấy liền tiêu mất đi, tiêu mất thì tất-cả đều không, lấy gì rõ được hư-không và sắc-tướng?

Vậy nên biết rằng cái thấy cùng sắc, không, đều không có xứ-sở; tức sắc-trần và cái thấy, hai xứ đó đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 2. – Thu 2 xứ thanh-trần và nhĩ-căn.

“A-nan, ông lại nghe trong vườn Kỳ-đà nầy, khi đồ-ăn dọn rồi thì đánh trống, khi chúng nhóm lại thì đánh chuông, tiếng chuông, tiếng trống trước sau nối nhau. Ý ông nghĩ thế nào? Như thế là, cái tiếng đến bên cái nghe hay cái nghe đến chỗ cái tiếng? A-nan, nếu như cái tiếng đó đến bên cái nghe, thì cũng như tôi khất-thực trong thành Thất-la-phiệt, tại rừng Kỳ-đà không có tôi nữa. Cái tiếng đó đã đến bên cái nghe của ông A-nan, thì lẽ ra ông Mục-Liên, ông Ca-Diếp không cùng nghe một lần, huống chi, trong nầy có 1250 vị Sa-môn, một khi nghe tiếng chuông, đồng đến chỗ ăn cơm cả.

Lại như cái nghe của ông đến bên cái tiếng, thì cũng như tôi đã về rừng Kỳ-đà rồi, trong thành Thất-la-phiệt, không còn tôi nữa; vậy khi ông nghe tiếng trống, cái nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi, thì khi tiếng chuông cũng phát ra, lẽ ra ông không thể nghe cả hai bên, huống nữa, ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều tiếng khác. Còn nếu không đi đến với nhau, thì lại không nghe.

Vậy nên biết rằng cái nghe và cái tiếng đều không có xứ-sở; tức cái nghe và thanh-trần, hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 3. – Thu 2 xứ hương-trần và tỷ-căn.

“A-nan, ông hãy ngửi hương chiên-đàn trong lư nầy, hương ấy, nếu đốt đến một thù, thì cả thành Thất-la-phiệt, trong 40 dặm, đồng-thời đều ngửi mùi thơm. Ý ông nghĩ thế nào? Mùi thơm ấy sinh ra, do cây chiên-đàn, do nơi lỗ mũi của ông hay do nơi hư-không? Nếu như mùi thơm ấy sinh ra do lỗ mũi của ông, thì đã gọi là do lỗ mũi sinh ra, tất phải từ lỗ mũi mà ra, lỗ mũi không phải chiên-đàn, làm sao trong lỗ mũi, lại có được mùi thơm chiên-đàn? Lại đã gọi rằng ông ngửi mùi thơm, thì mùi thơm phải vào trong lỗ mũi, còn trong lỗ mũi phát ra mùi thơm, mà nói rằng ngửi được, thì không đúng nghĩa.

Nếu sinh ra do nơi hư-không, thì tính hư-không thường còn, mùi thơm cũng phải thường có, cần gì phải đốt cây khô chiên-đàn trong lư rồi mới có. Nếu mùi thơm sinh ra do cây chiên-đàn, thì cái chất thơm ấy nhân đốt mà thành khói; nếu lỗ mũi ngữi được, thì lẽ ra khói phải xông đến lỗ mũi, làm sao, khói đó lên trên không, chưa được bao xa, mà trong 40 dặm đều ngửi thơm cả.

Vậy, nên biết rằng hương-trần và cái ngửi đều không có xứ-sở, tức cái ngửi và hương-trần hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 4. – Thu 2 xứ vị-trần và thiệt-căn.

“A-nan, ông thường hai thời, ở trong chúng cầm bình-bát khất-thực. Trong đó, hoặc gặp những món tô, lạc, đề-hồ, gọi là vị quý.

Ý ông nghĩ thế nào? Vị đó sinh ra, do nơi hư-không, do nơi cái lưỡi hay do nơi đồ-ăn?

A-nan, nếu vị ấy sinh ra do nơi cái lưỡi của ông, thì ở trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi; cái lưỡi lúc bấy giờ đã thành vị tô rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra cái vị không dời-đổi, mà nếu không dời-đổi, thì không gọi được là biết vị, còn nếu dời-đổi, thì cái lưỡi không phải có nhiều tự-thể, làm sao, một cái lưỡi lại biết được nhiều vị? Nếu sinh ra do đồ-ăn, thì đồ-ăn không có tri-giác, làm sao tự biết được vị? Lại đồ-ăn tự biết, thì cũng đồng như người khác ăn, nào có dính gì đến ông, mà gọi rằng ông biết vị? Nếu sinh ra do hư-không, thì ông hãy nếm cái hư-không xem là vị gì. Nếu cái hư-không đó vị mặn, thì đã làm mặn cái lưỡi của ông, cũng phải làm mặn cái mặt của ông và mọi người trong cõi nầy, cũng giống như cá bể, đã thường chịu cái mặn, không còn biết thế nào là nhạt nữa. Nhưng nếu không biết nhạt, thì lại cũng không biết mặn. Mà đã không biết cái gì, thì làm sao còn gọi là biết vị?

Vậy nên biết rằng các vị và cái lưỡi biết nếm đều không có xứ-sở; tức cái biết nếm cùng với các vị, hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 5. – Thu 2 xứ xúc-trần và thân-căn.

“A-nan, ông thường sớm mai lấy tay xoa đầu, ý ông nghĩ thế nào? Trong việc biết xoa đó, lấy cái gì làm cái biết cảm-xúc? Cái biết ở nơi tay hay ở nơi đầu? Nếu nó ở nơi tay, mà cái đầu không biết, thì làm sao thành cái cảm-xúc ấy? Còn nếu nó ở nơi đầu, mà cái tay vô-dụng, thì làm sao gọi là cảm-xúc được. Nếu cả cái đầu và cái tay, mỗi cái đều có biết, thì một mình ông A-nan phải có hai cái biết cảm-xúc.

Nếu cả đầu và tay đều do một cảm-xúc sinh ra, thì tay và đầu lẽ ra chỉ có một tự-thể; mà nếu chỉ có một tự-thể, thì không năng, không sở, cảm-xúc không thành-lập được. Còn nếu là hai thể, thì cảm-xúc ở phía nào, ở bên năng, thì không ở bên sở, ở bên sở, thì không ở bên năng; không lẽ hư-không tạo-thành cảm-xúc cho ông?

Vậy nên biết rằng cảm-xúc và thân-căn đều không có xứ-sở; tức cái thân biết cảm-xúc cùng cái cảm-xúc, hai thứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 6. – Thu 2 xứ pháp-trần và ý-căn.

“A-nan, ông thường trong ý duyên với ba tính: thiện, ác và vô-ký, sinh ra có các pháp-trần. Những pháp-trần đó tức nơi tâm mà sinh ra hay là rời cái tâm, riêng có chỗ khác?

A-nan, nếu tức nơi tâm, thì pháp-trần không phải là trần-cảnh nữa, và như thế, thì nó không phải là cái sở-duyên của tự-tâm, làm sao thành một xứ được?

Nếu rời cái tâm, riêng có chỗ khác, thì bản-tính của pháp-trần là có biết hay không có biết?

Nếu có biết, thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và không phải trần-cảnh, thì cũng như cái tâm của người khác; còn nếu nó tức là ông và cũng tức là tâm, thì làm sao cái tâm nơi ông lại thành hai được?

Lại nếu như không có biết, cái pháp-trần đó đã không phải sắc, thanh, hương, vị, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư-không, thì nó sẽ ở chỗ nào? Hiện nay nơi sắc, không, không thể chỉ nó ra được; không lẽ trong nhân-gian lại có cái ngoài hư-không?

Không có cảnh sở-duyên, thì ý-căn do đâu mà lập-thành một xứ được?

Vậy nên biết rằng pháp-trần cùng ý-căn đều không có xứ-sở; tức ý-căn cùng pháp-trần, hai xứ đều luống-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Xem mục lục
Chùa Việt
2015-02-07-14-04-21MatTienChua2002.jpg
2015-02-07-15-31-49ToanCanhTinhXa.jpg
2015-02-07-16-26-25MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-00-26ToanCanhChua.jpg
2015-02-08-08-43-56TamQuanChua.jpg
2015-02-07-16-22-48ToanCanhCHua.jpg
2015-02-08-08-37-44MatTienCHua.jpg
2015-02-08-08-33-25MatTienChua2003.jpg
2015-02-07-15-44-01ChuaBuuNghiem.jpg
2015-02-07-15-49-38ToanCanhChua.jpg
2015-02-07-15-45-31ChuaQuanAm.jpg
2015-02-07-15-39-23MatTienChua.jpg