Chư Phật ra đời chỉ nhằm một mục-đích là dạy-bảo chỉ-bày cho chúng-sinh giác-ngộ và thật-chứng Pháp-giới-tính như Phật. Pháp-giới-tính là tính bản-nhiên của tất-cả sự vật, nghĩa là của tất-cả các chuyển-động và các hiện-tượng trong vũ-trụ.
Tính bản-nhiên ấy là tính “trùng-trùng duyên-khởi”, nghĩa là tính ảnh-hưởng dây chuyền của một sự vật đối với tất-cả sự vật, của tất-cả sự vật đối với một sự vật. Ví như một con cá nhỏ vẫy đuôi, tuy rung-động rất ít, nhưng nếu có khả-năng đo-lường chính-xác, thì cũng có thể thấy ảnh-hưởng cùng khắp bốn bể.
Do mỗi sự vật đều chịu ảnh-hưởng của tất-cả sự vật nên đều chuyển-biến không ngừng. Do mỗi sự vật chuyển-biến không ngừng nên ảnh-hưởng lại tất-cả sự vật đều chuyển-biến không ngừng. Song ảnh-hưởng của các loại sự vật đối với một sự vật không giống nhau, cái thì trực-tiếp, cái thì gián-tiếp qua một hay nhiều lớp, do đó tác-động cũng không giống nhau. Trong ảnh hưởng phức-tạp của tất-cả sự vật làm cho một sự vật xuất-hiện và chuyển-biến, đạo Phật đã rút ra một quy-luật bản-nhiên là luật nhân-quả.
Luật nhân-quả là một quy-luật rất sinh-động không phải luôn luôn đơn-giản như trồng lúa thì được lúa. Lại chính việc trồng lúa được lúa cũng không đơn-giản lắm, vì phải có đất, có nước, phân, cần, giống, phải kể đến thời-tiết thuận-nghịch, đến kỹ-thuật cấy cày, vân vân… thì mới chắc được lúa và được nhiều lúa. Vì thế nên nhân-quả và định-mệnh khác nhau rất nhiều. Định-mệnh thì việc gì cũng đã định trước rồi, không làm sao tránh khỏi được ; còn nhân-quả thì chẳng những có nhân quá-khứ sinh quả hiện-tại, mà lại còn có nhân hiện-tại sinh quả hiện-tại (trong đó có cả ảnh-hưởng của hoàn-cảnh, ảnh-hưởng của tư-tưởng hành-động bản thân). Hai dây chuyền nhân-quả đó thường-xuyên ảnh-hưởng lẫn nhau, làm cho quả-báo hiện-tại thay đổi từng giờ từng phút. Vật-chất có nhân-quả vật-chất, tâm-thức có nhân-quả tâm-thức ; hai bên ảnh-hưởng lẫn nhau, nhưng không nhất-thiết giống nhau. Đối với đạo Phật, nhân-quả tâm-thức là chủ-yếu, vì nó quy-định sự tiến-hóa hay thoái-hóa trên con đường giải-thoát.
Các vị Thanh-văn, Duyên-giác, theo đạo-lý nhân-quả, trừ-bỏ nguyên-nhân luân-hồi và chứng quả vô-sinh, nhưng vẩn còn tu-chứng trong nhân-quả, chứ chưa rõ được then-chốt nhân-quả.
Then-chốt nhân-quả là Pháp-giới-tính trùng-trùng duyên-khởi, nghĩa là một sự vật duyên tất-cả sự vật, tất-cả sự vật duyên một sự vật, trong một có tất-cả, trong tất-cả có một, một tức là tất-cả, tất-cả tức là một. Tính ấy gọi là tính chân-như, là thật-tướng, là Phật-tính, là Như-lai-tạng-tính, là pháp-tính, là tâm-tính, vân vân…
Tính ấy bình-đẳng, không thật có sinh, có diệt, có người, có mình, có tâm, có cảnh, có thời-gian, có không-gian, không thấp, không cao, không mê, không ngộ ; tính ấy duyên-khởi ra tất-cả sự vật, không có ngăn-ngại, đồng-thời cũng tức là bản-tính của tất-cả sự vật, không hề thay-đổi.
Tam thế chư Phật, chư Đại-Bồ-tát, thật chứng và nhập một với Pháp-giới-tính nên phát-khởi vô-duyên đại-từ, đồng-thể đại-bi, hiện ra vô số thân, theo duyên hóa-độ vô-lượng vô-biên chúng-sinh, nhưng vẫn không gì ra ngoài Pháp-giới-tính. Chúng-sinh chưa chứng được Pháp-giới-tính nên theo duyên mà luân-hồi trong lục-đạo. Nhận-thức khác nhau nên chỗ thụ-dụng của Phật và của chúng-sinh khác nhau, nhưng Pháp-giới-tính vẫn như vậy, không thêm không bớt.
Pháp-giới-tính là tính-chung của các loài vô-tình như cây, như đá và của các loài hữu-tình như động-vật ; nhưng chỉ các loài hữu-tình, đặc-biệt các loài có trình-độ nhận-thức khá cao như loài người, mới có khả-năng chứng được Pháp-giới-tính và thành Phật-đạo. Do đó nên Pháp-giới-tính nơi các loài hữu-tình cũng gọi là Phật-tính.
Các loài hữu-tình chủ-yếu là những cái tâm làm cho có sống, có cảm-giác, có nhận-thức, có suy-nghĩ, có ghi-nhớ, vân vân… Cái tâm là một sự vật nên bản-tính vẫn là Pháp-giới-tính như các sự vật khác.
Khi học đạo và tu-chứng, tâm ấy có thể quan-sát Pháp-giới-tính nơi cây, nơi đá, hay quan-sát Pháp-giới-tính nơi tự-tâm ; nhưng khi xét-nhận được Pháp-giới-tính nơi tự-tâm thì có phần dễ nhập một với Pháp-giới-tính hơn là khi xét-nhận được Pháp-giới-tính nơi cây nơi đá.
Vì thế Phật thường dạy người đời tu-chứng Pháp-giới-tính nơi tự-tâm mình và gọi Pháp-giới-tính đó là tâm-tính.
Song tâm-tính vốn là Pháp-giới-tính, chứ không phải tính riêng của tự-tâm và khi chứng-ngộ được tâm-tính rồi thì cả tâm riêng cũng không còn nữa.
Phật thuyết-pháp theo căn-cơ của chúng-sinh, nên pháp của Phật, khi thấp, khi cao, khi quyền, khi thật, khác nhau. Nhưng dầu Phật dạy “tam-quy, ngũ-giới, thập-thiện”, dạy “tứ-đế, thập nhị nhân-duyên” hay dạy về pháp-tính, pháp-tướng, tâm-tính, chân-như, chân-không, thật-tướng, vân vân… Phật luôn luôn nhằm mục-đích chỉ-bày cho chúng-sinh chứng-ngộ trí-tuệ của Phật, nghĩa là chứng-ngộ Pháp-giới-tính.
Kinh Thủ-lăng-nghiêm là một kinh Đại-thừa, chính nơi thấy nghe thông-thường của chúng-sinh mà chỉ ra tâm-tính, rất thích-hợp với căn-cơ hiện nay.
Chúng tôi chung sức chung trí dịch kinh ấy ra quốc văn, đồng-thời nêu ra đại-ý của kinh để giúp-đở người học Đạo hiểu thêm những lời Phật dạy. Chúng tôi tìm cách không nói rộng mà nói gọn, không nói khó mà nói dễ, tránh những danh-từ không cần-thiết và dùng những lời lẽ phổ-thông để tiện cho các bạn mới phát-tâm nghiên-cứu Phật-pháp.
Mặc dầu như thế, chúng tôi cố-gắng phản-ảnh đầy-đủ nghĩa-lý nhiệm-mầu tronh kinh, hầu mong có vị túc-căn túc-trí nương theo nghĩa-lý ấy mà trực-nhận tâm-tính thì ba tạng kinh-điển tuy nhiều cũng không ra ngoài kinh Thủ-lăng-nghiêm vậy.
Bản-nguyện chúng tôi thì lớn, nhưng năng-lực còn có hạn, trông mong thập phương thiện-trí-thức phê-bình giúp-đỡ cho chúng tôi làm tròn công-đức, báo ơn Tam-bảo trong muôn một.Viết tại chùa Quán-Sứ, Hà-Nội,
Mùa Xuân năm Tân-Sửu (1961)
TÂM-MINH LÊ-ĐÌNH-THÁM