GIÁC NGỘ “TỰ TÁNH”
TRONG THIỀN PHẬT GIÁO
(Theo Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng)
PHẦN 1: Thiền Huệ Năng : Thiền là ”Thấy Tánh”
PHẦN 2: Bản chất của Vô Minh & Giác Ngộ
(Phản tỉnh cá nhân)
Người ta cho rằng Phật Giáo là một Tôn giáo Tự độ. Điều đó đúng! Dầu vậy, sau khi tìm hiểu về đạo Thiền là cốt tủy của Phật Giáo chúng ta cần có những nhận định đúng hơn về đường hướng Tự độ này.
Trước hết, Phật giáo luôn tin vào thực tại Tự Tánh là đầy đủ vốn thanh tịnh bên trong mình, không ỷ lại hay nương nhờ quá vào tha lực bên ngoài. “Tự Tánh là gì ?”, “có phải là một Đấng hay không ?” điều đó người ta không chú ý đến lắm, chỉ ý thức đó là một thực tại Siêu Việt, là Phật Tánh. Ai cũng có Phật tánh hay Tự Tánh nên ai cũng là Phật từ muôn đời rồi, vấn đề là “phản bổn hoàn nguyên” trở về với “khuôn mặt ngàn đời” đó của mình thì mọi sự sẽ ổn thỏa.
Hơn nữa, Phật Giáo nhấn mạnh là Tự Độ cũng có cái lý trong đó, vì thực tế đối với con người, mọi kết nối với tâm linh Siêu Việt đều phải bắt đầu từ nơi thâm tâm của mình trước. Nếu không từ thâm tâm mình trước mọi hành vi cử chỉ bên ngoài chỉ là hình thức, chỉ là vẻ bề ngoài, là tìm cái vọng tưởng!
Kế đến, khi nói đến “Phật” người ta thường nghĩ ngay đến Phật Thích Ca. Điều đó chẳng phải là sai nhưng chưa đủ. “Phật” (Budha) theo ngữ nghĩa là chỉ về một người đã được “Giác ngộ Tự Tánh” (Budhi). Ở đây cần hiểu rằng, Tự Tánh hay Phật Tánh là một thực tại Siêu Việt có trước các Phật từ muôn đời. Vì thế, trước Phật Thích Ca thì đã có vô số Phật rồi và sau Ngài cũng có nhiều Phật khác nữa.
Hơn nữa, ở đây chúng ta cũng không giới hạn việc Giác Ngộ chỉ có nơi Phật Giáo hay nơi các Thiền Sư. Cũng với trạng thái Giác Ngộ, không phân biệt anh là ai, ở đâu, làm gì, là kẻ ngu hay người trí, là tại thế hay xuất gia, thuộc dân tộc nào, tôn giáo nào miễn là anh trải qua một cuộc “Hoán cải nội tâm tận căn” và nhận được “Ánh Sáng chiếu rọi từ bên trong nội tâm mình” là anh đã là Phật, là Thánh trở lại.
Về phương diện lịch sử, Phật Thích Ca được nhiều người biết đến vì Phật Pháp của ngài sau khi được chứng ngộ đã được Ngài truyền giảng trong suốt 49 năm và sau đó những lời Ngài thuyết pháp lại được chép thành Kinh và được các môn đệ truyền lại giáo pháp cho các thế hệ sau. Hơn nữa, Phật Thích Ca cũng không tự cho mình là Đấng Cứu Độ. Ngài ví Ngài chỉ là “ngón tay chỉ mặt trăng” thôi chứ không phải mặt trăng, “thấy trăng rồi phải quên ngón tay”[1]. Sau khi giảng Kinh xong ngài cũng nói rằng Ngài đã không nói một lời nào. Ý nói rằng Phật hay bất cứ Thiền sư nào cũng chỉ là người dẫn đường chỉ lối thôi, việc Giác Ngộ được Tự Tánh hay không là việc của mỗi người tự chứng tự ngộ lấy. Huệ năng nói: “Khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ”[2] là có ý như vậy.
Do vậy, có lẽ Phật Thích Ca hay bất kỳ thực tại Siêu hình nào bên ngoài chẳng phải là cùng đích cuối cùng. Nói như vậy không phải là để phủ nhận vai trò của các Đấng, Bậc Thánh hiền nhưng điều cần nhấn mạnh là phải tin vào Tự Tánh trước thì sau đó mới thấy được Phật bên ngoài và đó mới là Phật Giáo đích thực. Huệ Năng hay gọi việc cầu Phật bên ngoài là “phỉ báng Phật”, vì nếu đã tự ngộ được Phật Tánh hay Tự Tánh thì “chúng sinh là Phật” còn nếu chưa có được điều đó thì “Phật là chúng sinh” là vậy.
Cũng cần phải đính chính rằng: sau thời Phật Thích Ca, vì Phật pháp hay giáo lý của ngài không phải ai cũng có thể hiểu được cái thâm diệu bên trong và đạt được giác ngộ ngay theo cách của Phật nên đã phân chia thành nhiều tông phái khác nhau để phù hợp với căn cơ của từng người. Phật pháp hay Giáo lý Phật là từ Phật Tánh mà ra và chỉ có một tinh thần nhưng do nhiều người, nhiều tông phái hiểu theo những hướng khác nhau nên không thể tránh khỏi những hiểu lầm và sai lạc (thường gọi là “mạt pháp”). May ra, chỉ có những người được trực tiếp truyền thừa tâm ấn từ Phật Thích Ca hay các tổ sau đó mới là chính tông. Nói là vậy, nhưng theo nguyên lý của Tự Tánh thì chúng ta không thể giới hạn công việc của Tự tánh vào một giới hạn tông phái hay tôn giáo nào cả.
Nhìn chung, Phật giáo có vẻ lấy “chính mình làm trung tâm” trong ý nghĩa Tự độ, cũng như có vẻ lấy Phật Thích Ca hay Phật nào khác là Đấng Cứu Độ, đó chắc hẳn chỉ là cách nói, cách hiểu theo lối bình dân mà chúng ta vẫn phải tôn trọng.
Để có sự giác ngộ Siêu Việt thì không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận được ngay vì sức người bình thường không thể chịu nỗi những nghịch lý của thực tại tâm linh. Vì thế, có thể qua một “Trung Gian” người ta sẽ nhận ra tiếng nói của Siêu Việt dễ hơn, với những giáo lý phù hợp hơn. Cũng như “không thể cho người yếu ăn thức ăn cứng ngay được”. Tùy căn cơ mỗi người mà cách tiếp cận với Siêu Việt có thể theo những cách thức và thời gian khác nhau, chúng ta không thể suy lường hết được.
Trong ý nghĩa tự độ, để đạt được việc tự chứng tự ngộ, bản thân người muốn giác ngộ trước hết là phải có tâm cầu đạo, thêm vào đó là dùng hết nghị lực của Ý chí để vượt thắng Vô minh nơi những đam mê của chính mình như trên đã nói. Đó là khâu “chuẩn bị đất” rất cần thiết. Tuy vậy đó vẫn chưa gọi là Giác ngộ. Dùng sức của mình là một phần, phần còn lại là chính ánh sáng của Tự Tánh chiếu rọi từ bên trong mới gọi là Giác ngộ đúng nghĩa.
Nói như trên, nhiều người cảm thấy sợ hãi và chùn bước vì bước Thiền quá khó và phải trả giá quá đắt vì phải “từ bỏ” quá nhiều và phải “một mình đơn độc lội ngược dòng” trước những giá trị mà cả nhân loại vẫn hằng tìm kiếm. Điều đó là sự thật, nhưng thực tế cho thấy rằng dù muốn dù không thì chắc hẳn ai trong cuộc đời trước sau đều phải được thanh luyện qua những thất vọng và đau khổ mà những “cái bóng của ảo vọng” có thể mang lại.
Dù ai đó không muốn bước vào thì cuộc đời vẫn dùng mọi cách “để làm cho đau” khi họ đối diện với “giới hạn tận cùng” của mình. Nhờ vậy họ sẽ có cơ hội được “tỉnh giấc” khỏi cơn ngủ mê triền miên qua nhiều năm tháng. Đó chính là công việc của “Tự Tánh” và đó là một “mầu nhiệm và ơn huệ” lớn lao trong đời mà ta không thể hiểu hết được! Dầu vậy thật đáng tiếc là ít người nhận ra điều đó, vì phần lớn khi gặp “đau khổ, cùng đường” đa số đều trở nên thất vọng và oán trách thân phận và cuộc đời!
Người ta nói rằng, đem Kitô Giáo và Phật Giáo lại với nhau thì cũng giống như đem “nước” lại gần”lửa” trong ý nghĩa “Tự độ- Tha độ”, chẳng bao giờ có sự dung thông với nhau hoàn toàn. Mặc dầu vậy, sau khi tìm hiểu cốt tủy Phật Giáo theo Thiền Tông tôi lại thấy có một sự dung hợp lạ lùng giữa hai tôn giáo.
Nhìn chung các Tôn Giáo lớn xét trên bình diện “thực tại tâm linh nơi mỗi cá nhân” dù có khác nhau đôi chút về cách thức và phương tiện, nhưng nói cho cùng đều nhắm cùng một đích là đạt đến đời sống tâm linh hạnh phúc trong Siêu Việt (dù Siêu Việt được gọi với nhiều tên gọi hay ý niệm khác nhau). Do vậy, ta có thể ví rằng: qua “Cái Ấm đun” của Thực tại Tâm linh Siêu Việt nơi nội tâm, “Lửa” có thể đun sôi “Nước”, để rồi “Nước nóng” là kết quả của “Lửa” trong “Nước” và “Nước” trong “Lửa”!
Thật ra, ý niệm phân ra nhiều Tôn Giáo cũng là cho con người mà thôi. Tôn Giáo có thể là dưới hình thức khác nhau về văn hóa và cách thức phụng tự, cũng như cách diễn đạt giáo lý và niềm tin nhưng tự bên trong đều đi chung một “Đường Đạo”. Tôn giáo thì có nhiều nhưng chỉ có một Đường Đạo là đường Chân lý mà thôi. Có người sẽ chế diễu ở cái nhìn “vơ đũa cả nắm” như thế. Do vậy, cũng thật đáng để suy nghĩ lại đối với những “Tôn giáo không hướng đến Tuyệt Đối”, mà chỉ hướng đến việc thờ những “thần không là Tuyệt Đối” và mê tín dị đoan để cầu lợi cá nhân…!
Thực tế mà nói, trên bình diện cá nhân chúng ta không thể đoán xét ai đang thờ thần nào, là tuyệt đối hay không tuyệt đối khi nhìn vào bàn thờ hay nhà thờ của họ nhưng điều quan trọng là đời sống mỗi người đang đặt “Ai?, Gì? lên trên hết” trong “Đền Thờ Nội Tâm” mình! Có lẽ, câu nói “Đạo tại Tâm” là có ý như thế…
Quả vậy, đời sống tâm linh đích thực phải là quy hướng về Tuyệt đối và đi trên đường Đạo hay đường Chân lý của Tuyệt Đối. Đường Chân lý nếu có là hai thì đường đó không còn là Chân lý nữa. Những nhà tư tưởng lớn phần lớn khi xét đến cùng đều gặp nhau ở một điểm là Siêu Việt; “Ý tưởng lớn gặp nhau” là vậy.
Làm sao ta biết đường nào là Đạo thật và đâu là Chân lý thật để theo là một vấn nạn không dễ phân minh. Tuy vậy, xét theo bề dày lịch sử và bản chất của Chân lý, qua kinh nghiệm của nhiều bậc Thánh hiền cho thấy rằng: điều gì tồn tại mãi vượt không gian thời gian thì mới là Chân lý thật sự. Không thể nắm bắt một phần của cuộc đời đầy biến chuyển lại cho đó là Chân lý.
Ở đây, chúng ta không bàn đến những quan niệm ai đúng ai sai, nhưng chúng ta chỉ cần “mở mắt” ra, kiên nhẫn trong dòng biến dịch và nhìn vào thực tại trong cái toàn vẹn để “xem quả ắt sẽ biết cây”[3]. Chân lý vốn chẳng cần con người biện bác thì mới cho là đúng, Chân lý là Chân lý. Đường Chân lý vẫn có đó đúng hay sai thế nào thì hãy để Chân lý tự tỏ lộ trong lòng mỗi người không sớm thì muộn!
Khi nói đến Siêu Việt, người ta còn thường phân biệt “ở trong?” hay “ở ngoài?”, dầu vậy đã gọi là Siêu Việt thì không còn bị giới hạn không gian thời gian như ta thường nghĩ. Siêu Việt có ở đâu thì đó là việc của Siêu Việt. Cũng vậy, Siêu Việt có là một Đấng hay không thì Siêu Việt vẫn là Siêu Việt. Vấn đề là chính ta có hướng đến Siêu Việt và sống trên đường Đạo của Siêu Việt hay không mới là quan trọng…
Tại sao cần có cái nhìn cân bằng ở Vô Niệm? Như đã nói, điểm nhắm cuối cùng của đời người là Siêu Việt, nên mọi sự vật hay biến cố vui buồn có thể xảy ra đều là những phương tiện hay cơ hội giúp con người trở về với “Cùng đích cuối cùng” của mình. Tuy vậy, vấn nạn đầy khốn quẩn của con người luôn là ở sự lầm tưởng “lấy phương tiện làm cùng đích”. Vì có sự lệch lạc ở con mắt thành kiến nên những điều thật lại cho là giả, những điều giả lại cho là thật nên đời sống rối bời chẳng biết đi về đâu nữa.
Hơn thế nữa, bức tường cuối cùng khó khăn nhất phải vượt qua không phải là cái gì bên ngoài nhưng lại chính là “cái tôi vĩ đại” của chính mình, bởi vì mọi “chấp dính bụi trần” đều được “gắn tên” trên cái tôi vị kỷ này. Lột bỏ được “cái tôi ra không” ở “Vô niệm” thì cảnh vật bên ngoài chẳng có nơi đâu để bám dính nữa. Và khi ấy tâm ta sẽ an, mà tâm an thì cảnh mới an.
Ở cái nhìn “Vô niệm” giúp ta không bị bấn loạn hay quá bám dính vào những hứng khởi khi các biến cố vui buồn xảy ra. Khi ấy ta sẽ có cái nhìn cân bằng hơn khi nhận ra đằng sau những thành công, vinh quang tột bật có thể là “họa”; và đằng sau những đau thương mất mác, thất vọng ê chề có thể lại là những cái “phúc” không ngờ để giúp ta có cơ hội được lột bỏ những bám dính cố hữu của mình.
Thật ra, “họa” hay “phúc” thì ta không thể phân biệt được rạch ròi, nên tốt nhất là ta đừng vội phán quyết gì cả. Ta chỉ nhìn mọi sự đều có ý nghĩa của nó mà ta chưa thấu hết được, nên cứ thanh thản mà sống thôi! Tự bản chất sự vật không tốt mà cũng chẳng xấu. Vì con người thường có cái nhìn thiên lệch, coi trọng cái này hơn cái kia nên phần lớn giáo lý các tôn giáo luôn có “cái nhìn ngược lại” để tránh tạo nên những “tham-sân-si” là nguồn gốc của mọi bất an và tội lỗi thường diễn ra trong tâm thức con người.
Nhìn lại, cuộc đời quả là một “trường thao luyện không ngừng nghỉ”, nên không phải chỉ những bậc tu hành mới cần “tu” (theo nghĩa rộng) nhưng thật sự là ai cũng cần phải “tu tâm dưỡng tính” cả. Mãi tìm sự an nhàn nơi một lối sống hưởng thụ vật chất và thú vui dễ dãi bên ngoài có lẽ chỉ có thể là chồng chất thêm mây mù ảo vọng tăm tối. Vì từ trong sâu thẳm, tự bản chất con người đã có “nguồn gốc là vô hạn” nên chẳng có gì hữu hạn mà có thể lấp đầy hay làm cho thỏa mãn cái vô hạn đó. Tự trong thâm tâm mỗi người luôn vang lên “lời réo gọi không ngơi : Thức tỉnh đi – Hãy trở về!”.
Kết luận
Nói cho cùng, “Tự độ” trong Phật giáo tuy là diễn đạt bằng “một từ” nhưng cũng cần hai giai đoạn của cùng một tiến trình giải thoát. “Tự độ” theo nghĩa “sám hối trở về” của sức mạnh Ý chí cá nhân là “điều kiện cần” và “Tự độ” theo nghĩa “soi sáng của Tự Tánh” bên trong là “điều kiện đủ”. Có lẽ, ý nghĩa của câu nói: “Tự giúp – Trời giúp” là có ý như vậy. Để được tự do giải thoát, ta không thể ỷ lại hay phó mặc hoàn toàn cho Siêu Việt rồi muốn sống sao thì sống. Ta cũng không thể quá ỷ vào sức mình để rồi tự mãn nơi ý chí cá nhân để đạt được tất cả vì bản chất con người cũng có phần yếu đuối và đầy giới hạn.
Dầu vậy, “biết mình yếu đuối, giới hạn” “nhận ra mình là tội nhân đang lầm đường lạc lối” thì thật là quan trọng để có can đảm “buông ra tất cả”, để dẫn đến “khao khát trở về”, biết mình phải hướng về đâu và phải làm gì! Chúng ta không lạ gì khi Giáo lý trước hết của phần lớn các tôn giáo đều hướng đến việc giúp lay tỉnh tâm hồn con người để họ được “sám hối”, từ bỏ tội lỗi đam mê của mình để được giải thoát khỏi đau khổ, được tự do và hạnh phúc thật nơi cứu cánh cuối cùng là Siêu Việt.
Hành trình trở về với Siêu Việt là “hành trình trở về lại căn nhà xưa” sau bao năm lưu lạc đất khách quê người. Cũng là cái nhìn quay ngược trở lại, sống cuộc sống ở trần gian này chẳng phải là “đường đi ra” nhưng thật sự là “Đường về”. Đường đi thì xa tắp mù khơi nhưng “Đường về” thì chỉ “trong một khoảnh khắc”. Phần lớn những ai trở về cũng đều ngạc nhiên vì “kho tàng” thật sự lại được chôn dấu trong nhà mình, trong lòng mình[4].
Chúng ta không lạ gì khi Trịnh Công Sơn cũng đã từng làm vang lên trong đời câu hát về “…một kiếp rong chơi” của “cát bụi phận người” rằng: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi xuống trăm năm một cõi đi về…” Quan niệm về một đường đạo Tự độ “Quay đầu là bờ” là với ý nghĩa như thế!
Lửa Mới (dongten.net)
CƯỠNG BÁCH
Đối với những người muốn trở thành đệ tử, Minh Sư đòi hỏi phải nghiêm túc trong mục đích của mình.
Tuy nhiên, Minh Sư quở trách những đệ tử quá căng thẳng trong những nỗ lực tu đức. Thái độ ngài đề xướng là một sự nghiêm túc thoải mái hay một sự thoải mái nghiêm túc – cũng như thái độ của vận động viên trong trận đấu hay của kịch sĩ trên sàn diễn.
Và cần phải rất là kiên nhẫn. Ngài nói: “Những bông hoa bị ép nở thì mất đi hương thơm. Những hoa trái bị ép chín thì mất đi vị ngọt.”
Anthony de Mello, SJ
CHÚ THÍCH
[1] Kinh Lăng Nghiêm. x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.17.
[2] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Tựa thứ nhất, tr.11.
[3] Mt 7,15-20
[4] Mt 13,44-46