Bài Viết (0)


Xem mục lục

I.       LỜI MỞ ĐẦU

Dường như thời đại nào cũng vậy, cuộc sống được gắn liền với “cuộc truy tìm hạnh phúc” phát xuất từ khát khao thẳm sâu trong thâm tâm mỗi con người. Ai cũng muốn mình được hạnh phúc cách này cách khác dù là phải đánh đổi tất cả. Dầu vậy, không có từ nào mà lại mông lung cho bằng hai chữ “hạnh phúc”. Hạnh phúc thật đa dạng nên mỗi người sẽ tự tìm cho mình những loại hạnh phúc khác nhau; đó có thể là tiền bạc, vật chất, danh vọng, địa vị, sắc đẹp… Có người chú ý đến những sở thích hay sở trường khả năng riêng của mình. Cũng có người cho rằng sức khỏe thể xác là quý hơn cả, có người lại hướng đến hạnh phúc trong đời sống trí thức, tinh thần hay tâm linh. Hạnh phúc như thế sẽ có nhiều thang bậc khác nhau nhưng phần lớn ai cũng cho rằng: điều họ đang tìm kiếm thì mới là hạnh phúc hơn cả!

Như vậy thì ai đúng ai sai, ai hạnh phúc hơn ai, ai mới là có hạnh phúc thật sự và hạnh phúc đích thực là gì? Thật ra, hai chữ “hạnh phúc” không có một định nghĩa chung bằng câu chữ và không có một triết thuyết nào có thể diễn đạt hết con đường đạt đến hạnh phúc! Điều có thể xác định lại là: hạnh phúc thật hay không là tự ở nơi tâm hồn mỗi người cảm nhận.

Nhiều người tin rằng Thiền là một công cụ dẫn đến một công năng kỳ diệu cho cuộc sống và làm cho họ được giải thoát khỏi đau khổ và mang lại sự hạnh phúc đích thật.

DẪN VÀO THIỀN

Thiền là gì? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, vì thật khó có thể tóm gọn “Thiền” chỉ một câu nói hay một lý thuyết thuần túy. Thế nhưng, chắc hẳn đó phải là một thực tại tâm linh không phải ‘với tới’ chỉ bằng lý trí hay kiến thức luận lý. Dùng lý trí để nói về Thiền cũng là một thiển cận rồi! Khi tìm hiểu về Thiền, bài luận này chỉ muốn đụng chạm đến những khái niệm cơ bản và ngắm thử con đường mà Thiền muốn nhắm tới thôi. Còn Thiền thật sự là gì thì hãy để “Thiền” tự nói với mỗi người trong tâm hồn.

Dhyana hay Jhana (Thiền na / Thiền: dịch nghĩa là “tư duy tu”) bắt nguồn từ Ấn Độ, ở Nhật gọi là Zen, ở Trung Hoa gọi là Tịnh Lự. Nói đến Thiền ở Ấn Độ là nói đến phương pháp tu luyện cổ truyền có từ thuở ban sơ của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo sau đó. Dhyana hay Tịnh Lự là chỉ việc trầm tư về một Chân lý, một Triết lý hoặc một Đạo đến chỗ triệt ngộ, in sâu trong nội thức. Tu Thiền là phải đến chỗ thanh vắng, xa cảnh náo nhiệt loạn động thì mới mong có sự giải thoát[1]. Phật Thích Ca cũng là một trong những người đi tìm sự giải thoát trong Thiền như thế.

Vì lẽ đó, có người khi nói đến “Thiền” là nghĩ ngay đến việc ngồi Thiền, ngồi làm sao để giữ mình trong tĩnh lặng, không còn bị chi phối bởi điều gì nữa. Cuộc sống xã hội điên đảo nên càng ngày càng có nhiều người đến với Thiền và họ hy vọng sẽ gặp được sự thinh lặng nội tâm và coi đó là niềm hạnh phúc thật sự. Cũng có người ngồi Thiền để gìn giữ sức khỏe trong việc luyện Thiên Khí Năng, Khí Công, Nhân Điện, Yoga… hay luyện một công phu phi thường nào đó có ích cho mình và giúp ích cho mọi người. Nhiều người khác cho Thiền là một thực tại tâm linh huyền bí nên họ sử dụng Thiền như một phương tiện để tu hành đạt chánh quả trong nhiều tôn giáo đặc biệt là Phật Giáo. Nói cho cùng, “Thiền” được xem như là một phương tiện để đạt một mục đích hay công năng siêu vượt nào đó. Vì cách hành Thiền khác nhau nên mỗi người sẽ quan niệm khác nhau về Thiền. Không có một định nghĩa xác đáng cho tất cả vì Thiền cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Điểm nhắm chính là làm sao đạt được điều mỗi người mong muốn hay nhắm tới.

Trong giới hạn của bài luận này, người viết chỉ chú ý đến Thiền của Tổ Huệ Năng (637-713) thuộc Tông Phật Giáo Tối Thượng Thừa[2] ở Trung Hoa. Đây là tông phái Thiền được coi là “cốt tủy” của Phật Giáo vì được truyền từ Tâm của Phật Thích Ca (623-543 TCN) (gọi là Truyền Tâm Ấn[3]) khi Người đạt quả Giác Ngộ dưới gốc Bồ Đề. Huệ Năng là Tổ thứ 33 tính từ Phật Thích Ca, cũng là Tổ thứ 6 kể từ khi Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma (?-529) mang Thiền từ Ấn Độ truyền qua Trung Hoa (520). Huệ Năng được xem là Tổ khai sáng Thiền Trung Hoa. Mặc dù tinh thần Thiền tông vẫn là một nhưng hình thức Thiền của Huệ Năng lại hoàn toàn Trung Hoa vì được diễn đạt theo kinh nghiệm đặc nét riêng, đầy sáng tạo của tâm hồn thực tế con người Trung Hoa. Và cũng từ Huệ Năng, Thiền trở thành một Tông phái cực thịnh vào thời nhà Đường và các thời sau đó.[4]

THIỀN HUỆ NĂNG

Huệ Năng (637-713) sinh ra trong một gia đình nghèo ít học làm nghề bán củi, cha mất sớm nên ông ở với mẹ. Một lần trong khi đi giao củi cho khách, Huệ Năng vô tình nghe một người tụng Kinh Kim Cương thì tự nhiên được khai ngộ[5]. Huệ Năng hỏi ra thì biết người đang tụng lấy Kinh này từ Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn (601-674); sau đó Huệ Năng tìm cách đến thọ giáo Ngũ Tổ. Qua cuộc đối đáp, Ngũ Tổ biết được Huệ Năng đã có căn cơ đi vào cốt tủy của Thiền Môn. Mặc dù suốt ngày chỉ lo việc giã gạo ở nhà sau nhưng Huệ Năng đã đi vào được tinh yếu của Thiền và đạt Đại Ngộ trước tất cả mọi người. Ngũ Tổ biết căn cơ của Huệ Năng nhưng không công khai cho mọi người biết điều đó. Về sau, Tổ chỉ âm thầm Truyền Y Bát (là vật làm tin[6]) cho Huệ Năng làm tổ thứ 6 của Thiền Tông. Huệ Năng trốn về phương Nam ẩn tích một thời gian lâu, sau đó lại ra thuyết về Pháp Đốn Ngộ Tự Tánh [7]. Có nhiều đồ đệ sau khi được Huệ Năng khai ngộ đã kế tục Pháp Đốn ngộ của sư. Cuộc đời và Pháp Đốn Giáo của sư Huệ Năng được một đệ tử là Thần Hội viết lại trong cuốn “Pháp Bảo Đàn Kinh” [8]Nội dung bài viết này phần lớn xoay quanh những ý chính trong cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh này, kèm theo những giải nghĩa trong bộ“Thiền Luận” của Giáo Sư Thiền học Daisetz Teitaro Suzuki.

Theo Huệ Năng, Thiền là “Thấy Tánh” [9]. Đó là hai chữ tinh yếu nhất trong dòng khai diễn của đạo Thiền. Thiền kết tinh tại đó, và “nhờ đó ta biết cố gắng của ta phải hướng về đâu, và bằng cách nào ta có thể hình dung nó trong tâm thức”. Thật ra, hai chữ này cũng đã được Bồ Đề Đạt Ma dùng đến, nhưng phải đến Huệ Năng mới “nắm trọn tinh nghĩa và in mạnh trọn vẹn ý nghĩa trong tâm thức người nghe cách dứt khoát không sao lầm lẫn được” so với các tông phái khác. [10] Yếu chỉ này lần đầu tiên được Huệ Năng tuyên xướng cho pháp sư Ấn Tông khi sư nói rằng: “Chỉ luận Thấy Tánh, chẳng luận Thiền định hay giải thoát.”[11]

“Tánh” hay còn gọi là “Thực tại Tự Tánh” nghĩa là gì? Tại sao Huệ Năng xem việc “Thấy Tánh” hay “Giác ngộ Tự Tánh” là yếu chỉ của Thiền? Bằng cách nào để đạt đến sự Giác ngộ thực tại đó? Tất cả những gì bài luận này nhắm tới chỉ nhằm triển khai các khái niệm ấy. “Tự Tánh” hay “Giác ngộ Tự Tánh” là một đề tài không dễ để luận bàn vì đó là một thực tại tâm linh. Trong giới hạn của mình, người viết cũng chỉ là một người nghiên cứu để trình bày lại những gì mình đọc được và cảm nhận được từ các tài liệu liên quan chứ không phải trên tư cách của một Thiền sư hay người đã chứng ngộ được điều gì!

II.    NỘI DUNG

1.      Tánh và Thấy Tánh

a.      Tánh

Trước hết, “Tánh” (Tính) về mặt ngữ nghĩa là chỉ về cái bản thể, yếu lý, linh hồn, hoặc cái bẩm sinh ở con người [12], người Việt hay gọi là “Lương tâm”. Từ mà chính Huệ Năng hay dùng là “Bổn lai diện mục” tức là “Khuôn mặt ngàn đời” trước sau không thay đổi. Tánh “vốn tự đủ, chẳng lay động, chẳng sinh chẳng diệt”[13] nơi mỗi người nên cũng được gọi là “Tự Tánh”, “Chân Như”, hay “Phật Tánh”. Tánh thể hiện về mặt trí gọi là “Bát Nhã”, đó là “Trí Bát Nhã” hay “Trí Huệ”. Tánh là một ánh sáng phát xuất từ bên trong nội tâm nên gọi là“Ánh Sáng Tự Tâm”. Việc thấy Tánh cũng mở ra một nhãn quan mới gọi là mở “Con Mắt Trí Huệ”. “Tự Tánh” mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều chỉ về một Thực tại Siêu Việt đã có sẵn trong mỗi người từ muôn đời. Huệ Năng nhiều lần nhắc nhở đồ chúng và môn đồ của mình: Tâm ta tự có Phật, Tự Phật là chơn Phật… Các ngươi tự tâm là Phật, chớ hồ nghi nữa.”[14]

Thật ra, thực tại Tự Tánh là một Thực tại Siêu Việt, ta không thể dùng lời để diễn tả hết những sâu diệu của nó. Ta cũng không thể chỉ dựa vào câu chữ ở trên mà hiểu được hết, chỉ khi ta tự chứng nghiệm lấy thì ta sẽ hiểu phần nào về Tánh đó. Điều này cũng giống như việc mãi giải thích cho “Hạt muối”[15] về “Biển” là gì trong khi chỉ cần ra đến biển và ngụp lặng vào biển thì hy vọng đã hiểu được phần nào. Hơn nữa, ta không thể diễn đạt được hết ý nghĩa và đúng bản chất của Tánh bằng một khái niệm nào bằng mặt chữ, mà dù có định nghĩa là gì thì ta cũng chỉ là gọi tên đơn thuần hay nói về một thuộc tính của Tánh mà thôi. Vì thế, các triết gia Ấn thường diễn đạt Tánh theo lối phủ định: “neti neti” nghĩa là không phải như vậy mà cũng chẳng như thế kia.[16]

Tánh mà Huệ Năng muốn nhấn mạnh cũng theo một lối như thế khi Sư ra câu đố cho các đồ đệ của mình. Sư hỏi: “Ta có một vật, chẳng đầu chẳng đuôi, chẳng danh chẳng tự, chẳng lưng chẳng mặt, các ngươi có biết chăng?”. Một môn đệ của sư là Thần Hội bèn ra nói: “Ấy là bổn nguyên của chư Phật, Phật tánh của Thần Hội”. Sư nói: “Đã nói với ngươi là chẳng danh chẳng tự, ngươi bèn gọi là bổn nguyên Phật Tánh, ngươi sau này dẫu cho có ra hoằng pháp cũng chỉ thành một môn đồ tri giải mà thôi”.[17]

Từ những gì bàn ở trên cho ta thấy rằng, tự bản chất Phật giáo đã hướng về Tuyệt Đối Siêu Việt. Mặc dù không cho đó là một Đấng có Bản vị như nhiều tôn giáo khác nhưng Phật Giáo chính thống luôn tin Thực Tại Siêu Việt mà trước hết là hướng tìm Siêu Việt ngay trong tâm mình. Theo Huệ Năng, chỉ vì ta “mê loạn trong tư tưởng” nên không hiện thực được Ánh sáng Siêu Việt ấy ở trong ta, cần có sự hướng dẫn và khai ngộ của một bậc Thiền đức cho đến khi con Mắt huệ mở ra để ta có thể nhìn thấy Tự Tánh tinh tuyền của ta, điều đó gọi là Thấy Tánh”. [18]

b.      Thấy Tánh – Trí Bát Nhã [19]

“Thấy Tánh” chính là đối tượng mà phép hành Thiền nhắm đến. Kinh Phạm Võng cũng nói: “Tự tánh vốn thanh tịnh, nếu nhận được Tự Tâm, thấy được Bản Tánh, tức thành Phật đạo” [20].  Thấy Tánh trong Thiền cũng hay gọi là “Ngộ”, “Giác” hay “Giác Ngộ” (Budhi – Bồ đề) [21]. Thấy Tánh hay Giác ngộ có thể nói rằng đó là trạng thái thức tỉnh của tâm hồn nhận ra điều gì đó lớn lao, rất cụ thể từ bên trong, là sự hiểu biết cao thâm mà từ trước đến giờ chưa hề biết đến.[22] Sự hiểu biết này phải phát sinh từ sự nhận ra bản chất của Tự Tánh nơi tâm hồn mình. Chắc chắn cái biết đó không phải là cái biết thuần lý trí và lý thuyết nhưng là sự tự trực nghiệm thấy được, tự nhận ra được Chân lý cao sâu từ bên trong không thể diễn tả hết bằng lời nói.[23]

Nếu như Thấy Tánh là nhận ra và hiểu được diệu lý của Bổn thể mình thì đồng thời sự nhận biết đó cũng phản lại cái diệu lý đó lên vạn vật gọi là Trí Bát Nhã. Như thế, Thấy Tánh là đồng một thể Trí Bát Nhã. [24] Trí Bát Nhã nơi sự Giác ngộ không những là trạng thái tuyệt đối của tâm dứt bặt hết phân biệt của vọng tưởng nhưng còn là thể nghiệm trạng thái “kiến chiếu muôn vật trong Một niệm”[25]. Cần “Một Niệm[26] mới có Giác, cái biết của Trí Bát Nhã (Trí Huệ) là thấy “tất cả tức một, một tức tất cả, tới lui tự do, tâm thể vô ngại”. Đó là cái biết phát xuất từ bản chất của Tự Tánh, “Trí Bát Nhã đều từ Tự tánh mà sanh, chẳng từ bên ngoài vào do vậy không thể lấy ý thức hay lý trí để cho đó là Trí Bát Nhã”. [27] Vì lẽ đó, nhìn thấy Tánh không chỉ là giới hạn nơi con người mình nhưng là nhận ra Tánh bao hàm toàn thể vũ trụ, vốn tự do tự tại không bị giới hạn vào điều gì cả. Tánh này vốn đầy sinh lực sáng tạo, tự tri tự giác.

Tuy vậy, Huệ Năng còn nhấn mạnh đến việc tìm thấy Tánh ở trong nội tâm mình trước mà không phải ở ngoài. Theo Sư, nếu không thấy Tự Tánh nơi mình trước thì chẳng thể thấy Tánh đó nơi vạn vật, vạn vật đều có Phật Tánh nhưng do tâm hạnh con người tà hiểm nên chỉ thấy vạn vật chỉ là vạn vật thôi mà cái thấy đó cũng bị sai lệch, và ngay cả Phật trước mắt cũng chẳng coi ra gì huống gì là người thường và sự vật thấp hèn. Huệ Năng luôn nhấn mạnh ở điểm này: “Nếu tự chẳng Phật tâm, nơi nào tìm chân Phật?”[28] “Ngoài tâm đi tìm đạo, suốt đời chẳng thấy đạo”[29] Vì thế, Thiền mà chẳng Thấy Tánh thì chẳng phải Thiền của Huệ Năng cũng chẳng phải phát xuất từ Tâm Phật Thích Ca dưới cây Bồ đề. “Dù có nói tụng muôn ngàn kinh Phật, hay ngày đêm tu tập cốt lấy cái học rộng nghe nhiều làm pháp Phật mà không thấy Tánh Phật nơi mình thì cũng là không, uổng công phí sức cũng giống như nói đủ về các món ăn mà vẫn đói”[30]. Điều này cho thấy, “cái biết đích thật” phải phát xuất từ Tự Tánh trước, nếu không thì cái biết từ bên ngoài vào cũng trở nên vô nghĩa đối với đời sống mình, nhiều lúc lại trở nên điều chẳng lành khi ta quá tự mãn về sự hiểu biết thuần kiến thức của ta!

Ở đây, cũng cần lưu ý rằng việc thấy Tánh hay không là ở nơi kinh nghiệm mỗi người tự chứng ngộ lấy. Nếu không như thế ta sẽ dễ tự vướng mắc vào thế phân biệt “thấy” hay “không thấy”. Vấn đề bàn ở đây chỉ là nêu vấn đề để bàn luận để hiểu phần nào về việc “Thấy Tánh”. [31] Để hiểu hơn về cái Thấy Tự Tánh ta cần vượt qua “lý trí phân biệt” để đi vào “Nhất nguyên vô biệt” nơi Trí Bát Nhã.

2.      Trí Bát Nhã – Nhất Nguyên Vô Biệt

Tại sao việc thấy Tánh hay Trí Bát Nhã nơi việc Giác Ngộ lại liên quan mật thiết với việc loại trừ lý trí phân biệt? Như chúng ta đã nói, Tự Tánh vốn thanh tịnh không là cái hai hay cái nhiều, vạn vật cũng là cùng nhất thể với Tự Tánh nên cũng bình đẳng như nhau. Huệ Năng thường nhấn mạnh rất nhiều ở điểm này:

“Phật tánh phi thường phi vô thường, nên chẳng đoạn dứt gọi là bất nhị. Một là thiện, hai là bất thiện, Phật tánh phi thiện, phi bất thiện, gọi là bất nhị.”[32]

Ở nơi khác Sư cũng nói:

“Niệm niệm viên tròn sáng tỏ, tự thấy bản Tánh, thiện ác dù khác, Tánh vốn bất nhị, Tánh bất nhị gọi là thật Tánh, ở trong thật Tánh chẳng nghĩ thiện ác”[33].

Quả thế, mọi sự vạn vật có bị phân ra với những trạng thái đối nghịch là chỉ tồn tại nơi tâm trí ta mà thôi. Trí Bát Nhã loại trừ cái nhìn phân biệt là để có cái nhìn trọn vẹn về sự vật, không bị nghiêng lệch phiến diện, từ đó không làm nảy sinh trong tâm những ý tưởng “tham, sân, si” vốn thường hay nảy sinh từ lý trí phân biệt.

Thật ra, khi nói không phân biệt tốt xấu thiện ác là một điều khá nghịch lý đối với cái nhìn thường hằng của đa số nhưng quả thật nếu thật sự có được sự chiếu rọi của Tự Tánh ta sẽ nhận ra rằng dù là âm-dương, sinh-diệt, có-không, tốt-xấu, thiện-ác… vẫn chỉ là “Một” trong tiến trình không gian, thời gian thôi. Phần lớn ta chỉ thấy có một mặt trong một thời điểm nào đó hay chỉ thấy mặt trội lên ở một điểm nào đó nên mới phân biệt ra như vậy chứ chẳng phải sự vật là phân biệt rạch ròi. Nếu xét kỹ ta sẽ thấy rằng, trong những điều ta cho là tốt nhưng bên trong đã hàm chứa mầm mống xấu hay ngược lại. Cũng cùng một sự việc nhưng người này cho là tốt nhưng người khác lại cho là xấu, hay cũng cùng một người lúc này cho là xấu nhưng lúc khác lại cho là tốt. Vì thế, tất cả những trạng thái đối nghịch là cũng do ý kiến chủ quan của ta ở một không gian hay thời gian nào đó. Lý do là cái nhìn của ta còn bị hạn hẹp, chỉ là cái nhìn trước mắt, chủ quan, phiến diện. Ngược lại, cái nhìn của Trí Bát Nhã phải là cái nhìn vượt lên đối tượng, vượt lên cả không gian thời gian, nhìn mọi sự trong tổng thể của nó, và đơn thuần chỉ “nhìn nó như là nó là” không nghĩ ngợi phân biệt gì nữa.

Mặc dầu vậy, Thiền không đặt nặng việc “có hay không sự phân biệt” cho bằng tâm ta có “tác ý” hay không, để rồi gán ghép cho sự vật là xấu để tránh né (sân) hay cho là tốt quá đến nổi nảy sinh ham muốn chiếm đoạt (tham) và đam mê (si).[34] Sự vật tự bản chất không tốt mà cũng chẳng xấu, có như thế nào là do những ý nghĩ trong lòng ta mà thôi.  Điều này được Huệ Năng tóm kết trong một đoạn kệ như sau: “…Đại viên cảnh trí Tánh thanh tịnh, Bình đẳng Tánh trí tâm chẳng bệnh. Diệu quan sát trí chẳng tác ý.[35] Do vậy, muốn giữ tâm thể được thanh tịnh thì đối với các vấn đề thiện ác Huệ Năng khuyên chớ nên suy lường.[36]

Trong đời sống thực tế, vấn đề khó là: mặc dù phân biệt thì ta vẫn phân biệt nhưng làm sao để tâm ta không nảy sinh những ý tưởng phân biệt gây nên những tình cảm yêu ghét. Khi sinh lòng yêu ghét, ta chỉ lo tìm lợi cho mình và gây hại người xung quanh bất chấp việc “bán rẻ” phẩm giá, mạng sống mình và người khác. Đó chính là mầm mống của “Vô minh”, là “bể khổ” và phiền não của cõi trần. Vô minh là gì, lý trí phân biệt gây nên Vô minh như thế nào và tác hại của Vô minh gây ra đau khổ như thế nào, chúng ta cùng xem xét ở phần sau.

Lửa Mới (dongten.net)

CHÚ THÍCH

[1] x. Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, Quyển Thượng, NXB. TP.HCM, tr. 91.

[2] Thừa: nghĩa là Hành, Tối Thượng Thừa hay Phật Thừa là con đường hành đạo chính tông của Phật Giáo. Tam thừa: Đại Thừa, Trung Thừa, Tiểu thừa là con đường nhỏ hơn, đòi hỏi ít hơn so với Tối Thượng Thừa. Xem thêm: Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Cơ Duyên thứ bảy, tr.48+56. (Số trang của sách này dựa trên sách người viết tự in từ file điện tử).

[3] Nghĩa là “Tâm truyền Tâm” thay vì truyền bằng văn tự hay lời nói, Thiền quan niệm rằng: “Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng với văn tự”. Do vậy “Được ý phải quên lời,.. được cá quên nơm,.. qua sông rồi phải bỏ bè.”.

  1. Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Cơ Duyên thứ bảy, tr. 42.

[4] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.123.

[5] Sẽ được giải thích sau.

[6] Điều chính yếu là Phật Pháp phải là Truyền từ Tâm Phật. Y Bát thật ra chỉ là vật để làm cho người ta tin, minh chứng cho chánh Pháp (Giáo lý) của người được truyền thừa từ Phật Thích Ca. Vì có sự tranh giành lẫn nhau nên Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn căn dặn Huệ Năng không nên truyền Y Bát nữa. Xem thêm: Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Tựa thứ nhất.

[7] Sẽ bàn ở phần sau.

[8] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Tựa thứ nhất, tr.4.

[9] Cũng gọi là “Kiến Tánh” hay “Giác Ngộ Tánh”, sẽ giải thích rõ hơn ở phần sau.

[10] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.255.

[11] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Tựa thứ nhất, tr.13.

[12] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr. 280, phụ chú 2.

[13] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Tựa thứ nhất, tr.8-9.

[14] sđd, Phẩm Phó Chúc thứ mười, tr.89.

[15] Xem thêm câu chuyện “Hạt muối và biển” trong sách Lẽ Sống.

[16] Hoành Sơn, Triết Sử Ấn Độ, Cuốn II, Hưng Giáo Văn Đông XB, tr.62.

[17] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Đốn Tiệm thứ tám, tr.66.

[18]  sđd, Phẩm Bát Nhã thứ hai, tr.14.

[19] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.137-146.

[20] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Bát Nhã thứ hai, tr.17.

[21] Chúng ta sẽ bàn nhiều về Giác Ngộ ở phần sau, ở đây chỉ xin sơ lược qua những khái niệm tổng quát.

[22] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.278.

[23] Ngộ hay Trí Bát Nhã: theo Triết Ấn đó là sự tỉnh giấc của cái biết thuộc Nội Trí (Budhi) so với cái biết của ngoại trí (Manas) là cái biết thuần lý trí. Xem: Hoành Sơn, sđd, tr.79.

[24] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Bát Nhã thứ hai, tr.15.

[25] x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.144.

[26] “Một niệm”: sẽ được bàn ở phần sau.

[27] Lục Tổ Huệ Năng, sđd, Phẩm Bát Nhã thứ hai, tr.15.

[28] sđd, Phẩm Phó Chúc thứ mười, tr.89.

[29] sđd, Phẩm Bát Nhã thứ hai, tr.23.

[30] Huyết Mạch Luận của Bồ Đề Đạt Ma: x. Daisetz Teitaro Suzuki, sđd, tr.258 & 280-81.

[31] sđd, Phẩm Cơ Duyên thứ bảy, tr.65.

[32] sđd, Phẩm Tựa thứ nhất, tr.13.

[33] sđd, Phẩm Sám Hối thứ sáu, tr.39.

[34] sđd, Phẩm Cơ Duyên thứ bảy, tr.63.

[35] sđd, Phẩm Cơ Duyên thứ bảy, tr.51.

[36] sđd, Phẩm Pháp Hội thứ chín, tr.78.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu chính:

  1. Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh.
  2. Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, Quyển Thượng, NXB. TP.HCM.

Tài liệu khác:

  1. Thích Thiên Ân, Triết học Zen, Tập I, Đông Phương xuất bản, 1966.
  2. Suzuki, Thiền và Phân tâm học, NXB. Phương Đông, (Như Hạnh dịch).
  3. Shunryu Suzuki, Thiền Tâm – Sơ Tâm, NXB. Phương Đông, (Nguyễn Duy Nhiên dịch).
  4. Đan Minh, Thiền Đến Phiền Đi, Phương Đông, (Thích Thiện Phước dịch).
  5. Hoành Sơn, Triết Sử Ấn Độ, Hưng Giáo Văn Đông xuất bản, 1970-1974.
  6. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết học Cương yếu.
  7. Lý Minh Tuấn, Triết lý chữ Hòa (Từ linh đạo Kitô Giáo đến các Linh đạo Đông Phương), Phương Đông.
  8. Thường Nhân, Thanh Tịnh Tâm – Tu thiền thực tập, NXB. Phương Đông.
  9. Anthony de Mello SJ, Một Phút Khôn Ngoan, Antôn Đuốc Sáng.
  10. Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước.
Xem mục lục
Chùa Việt
2015-02-07-15-49-08ChuaGiacHai.jpg
2015-02-07-16-35-18ChuaDienTho.jpg
2015-02-07-15-50-10ChuaHaiDuc.jpg
2015-02-07-15-44-01ChuaBuuNghiem.jpg
2015-02-07-16-12-27ChuThienVuongCoSat.jpg
2015-02-08-08-34-29CHuaDieuVien.jpg
2015-02-07-15-54-14TamQuanChua.jpg
2015-02-07-15-28-59MatTienChua.jpg
2015-02-08-08-37-44MatTienCHua.jpg
2015-02-07-15-36-48MatTienChua.jpg
2015-02-07-16-33-26ChuaHoiPhuoc.jpg
2015-02-07-15-59-53MatTienChua.jpg